Năm 1857 chính phủ Pháp thông qua quyết định đánh chiếm Việt Nam. Nhưng do sự đánh trả quyết liệt của những người yêu nước Việt Nam, phải sau 30 năm, thực dân Pháp mới thiết lập được quyền thống trị của họ trên toàn lãnh thổ Việt Nam (1887).
Năm 1887, Liên bang Ðông Dương thành lập, gồm 5 xứ là Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Cao Miên và Lào. Ðến đầu thế kỷ 20, các hoạt động kinh tế xã hội của Pháp ở Việt Nam bắt đầu được đẩy mạnh. Người Pháp tập trung đầu tư vốn vào các ngành khai thác mỏ và một số kỹ nghệ. Ðã xuất hiện những đồn điền rộng lớn. Và bên cạnh cây lúa, đã xuất hiện cây chè, cây cà phê, cao su, thầu dầu,... Sản phẩm nông nghiệp và thủ công nghiệp bắt đầu trở thành hàng hoá. Gắn liền với những biến chuyển kinh tế là sự ra đời của giai cấp tư sản Việt Nam và giai cấp công nhân Việt Nam.
Về giáo dục năm 1915, Pháp bãi bỏ chế độ thi cử cũ và quy định ba bậc học ở phổ thông (ấu học, tiểu học, trung học) và năm 1917, chính thức mở trường đào tạo quan chức theo "ngạch Tây".
Còn đối với nhân dân lao động, nhất là nông dân, thực dân Pháp thi hành chính sách cai trị khắt khe, tàn bạo, thông qua hệ thống quan lại và mật thám. Người dân phải đóng nhiều thứ thuế. Chính sách ngu dân của thực dân giam hãm họ trong u tối.
Những người yêu nước Việt Nam vẫn tiếp tục cuộc đấu tranh giải phóng đất nước. Lớp này ngã xuống thì lớp khác lại vùng dậy. Cho đến năm 1930, Nguyễn Ái Quốc, tức Hồ Chí Minh, đã sáng lập Ðảng Cộng sản Việt Nam, sau đổi tên là Ðảng Cộng sản Ðông Dương, và từ đấy những người cộng sản lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc.