Chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc, phát xít Nhật đầu hàng, nhân dân Việt Nam đã tiến hành thắng lợi cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945. Ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn độc lập ở quảng trường Ba Ðình (Hà Nội), khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.
Ngay sau khi cách mạng Tháng Tám thành công, nhân dân Việt Nam đã phải đương đầu với những âm mưu và hành động xâm lược của nhiều kẻ thù bên ngoài. Năm 1946, thực dân Pháp đã trở lại xâm lược Ðông Dương. Nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Ðông Dương (tên của Ðảng Cộng Sản Việt Nam thời đó) và Chủ tịch Hồ Chí Minh tiến hành cuộc kháng chiến, bảo vệ nền độc lập của mình. Chiến thắng Ðiện Biên Phủ lịch sử đã kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ lần thứ nhất của nhân dân Việt Nam. Với Hiệp định Genève (1954), độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam đã được thế giới chính thức thừa nhận.
Sau khi Thực dân Pháp rút khỏi miền Bắc, nước Việt Nam vẫn bị chia cắt làm hai miền. Miền Bắc (từ vĩ tuyến 17 trở ra) là nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, bắt đầu công cuộc xây dựng đất nước. ở miền Nam, từ vĩ tuyến 17 trở vào gọi là Việt Nam Cộng hoà, vẫn diễn ra cuộc chiến tranh giữa một bên là nhân dân miền Nam và một bên là chính quyền Sài Gòn và quân đội Mỹ. Nhân dân Việt Nam một lần nữa phải chịu đựng một cuộc chiến tranh ác liệt trong gần 20 năm để giành lại độc lập dân tộc. Sau hiệp định Pari (1973), quân đội Mỹ rút khỏi Việt Nam. Với chiến thắng mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ngày 30 tháng 4 năm 1975, chính quyền Sài Gòn sụp đổ. Ðất nước Việt Nam hoàn toàn thống nhất, lấy tên là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thủ đô là Hà Nội. Dân tộc Việt Nam bắt tay vào khắc phục những hậu quả nặng nề của 30 năm chiến tranh, xây dựng lại đất nước. Ngày nay, dân tộc Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới xây dựng và phát triển kinh tế, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng và văn minh.