UBND thành phố Hồ Chí Minh vừa phê duyệt chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế du lịch, phấn đấu đến năm 2010 doanh thu toàn ngành đạt 46.000 tỷ đồng, gấp đôi năm 2007.
Theo chương trình, bên cạnh việc tiếp tục củng cố hoạt động khai thác ở những thị trường trọng điểm như Mỹ, Canađa, Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc, ASEAN, ngành du lịch thành phố sẽ mở rộng địa bàn hoạt động sang các thị trường được đánh giá là có nhiều tiềm năng như Na Uy, Thụy Điển, Ấn Độ, Inđônêxia, Nam Phi.
Sở du lịch và Hiệp hội Du lịch thành phố sẽ phối hợp với các hãng hàng không trong nước tổ chức các chương trình quảng bá lịch sử, văn hóa truyền thống Việt Nam tại các nước, tăng cường tham gia các hội chợ, diễn đàn du lịch của các khu vực và phối hợp với các nước tổ chức các chương trình giao lưu, xúc tiến hoạt động du lịch.
Tận dụng lợi thế về hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại hiện đại cùng nhiều di tích lịch sử, công trình kiến trúc có giá trị như Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi, Dinh Thống Nhất, Nhà thờ Đức Bà, Chùa Giác Lâm...thành phố cũng đã lên kế hoạch triển khai hàng loạt hoạt động quảng bá tiềm năng du lịch thành phố tại các tỉnh thành phố lớn trong cả nước như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế, Đà Lạt, Nha Trang và Cần Thơ để thu hút lượng khách trong nước.
Việc đưa vào khai thác nhiều loại hình du lịch mới như du lịch khám chữa bệnh chất lượng cao, spa kết hợp với điều trị y học dân tộc song song với việc nâng cao chất lượng phục vụ của các loại hình du lịch hiện có cũng được kỳ vọng là sẽ tạo sự đột phá về doanh thu cho ngành.
Sáu tháng đầu năm 2008, thành phố Hồ Chí Minh đón gần 1,5 triệu khách quốc tế, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu đến bằng đường hàng không và dự kiến cả năm con số này sẽ đạt 3 triệu khách.
Những thị trường dẫn đầu về lượng khách đến thành phố Hồ Chí Minh là Mỹ, Canađa, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ôxtrâylia, Xinhgapo, Trung Quốc, Malaixia.