Bảo tồn Đờn ca tài tử cần thế hệ kế cận
Cập nhật: 20/03/2014
Chiều 18/3, Sở VHTT&DL thành phố Hồ Chí Minh tổ chức họp mặt và trao đổi phương án bảo tồn Đờn ca tài tử.
 

Tại buổi họp mặt các nghệ nhân đã thẳng thắn trao đổi kinh nghiệm trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của nghệ thuật Đờn ca tài tử trên địa bàn thành phố. Đồng thời đưa ra các giải pháp và mô hình hoạt động có hiệu quả nhất để vừa bảo tồn vừa phát huy và khai thác bản sắc văn hóa truyền thống Nam bộ. 

Hiện nay, trong bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử cũng còn nhiều thách thức xoay quanh các vấn đề. Đơn cử như nguồn gốc, quá trình phát triển, hệ thống bài bản đến những bất cập trong việc giữ gìn, phát huy nhạc tài tử thông qua việc truyền dạy, đào tạo âm nhạc tài tử. 

Nghệ nhân dân gian Hoàng Tấn chia sẻ: “Phong trào Đờn ca tài tử mang tính chất dân gian. Nhưng chỉ đơn thuần là dân gian thì môn nghệ thuật này cũng không tồn tại được, mà phải gắn liền với sự phát triển của mỗi địa phương. Hiện giờ, số lượng tài tử rất đông nhưng chất lượng không cao nên quan trọng là phải nâng cao chất lượng.” 

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có gần 120 câu lạc bộ đờn ca tài tử với hơn 2000 tài tử đờn và tài tử ca đang hoạt động. Con số này cho thấy phong trào đờn ca tài tử tại thành phố diễn ra khá sôi nổi và mạnh mẽ. 

Tuy nhiên, để gìn giữ được những nét đẹp vốn có của đờn ca tài tử trong đời sống hiện đại, những người làm công tác nghiên cứu cần chú ý trong lựa chọn một không gian, sân chơi cho thích hợp để Đờn ca tài tử phát triển, có chính sách phù hợp để đào tạo đội ngũ kế thừa, những người toàn tâm toàn ý với nghề.

VOV