Thêm nhiều sản phẩm du lịch mới ở làng Việt cổ Đường Lâm
Cập nhật: 11/07/2008
Để gìn giữ những giá trị của di tích, quảng bá và thu hút du khách đến tham quan, nghiên cứu ở làng Việt cổ Đường Lâm (thành phố Sơn Tây, tỉnh Hà Tây) - ngôi làng duy nhất của nước ta cho đến thời điểm hiện tại được xếp hạng là di tích văn hoá cấp quốc gia, Ban Quản lý di tích đã cùng người dân sở tại xây dựng và khôi phục được nhiều sản phẩm du lịch mới, đặc sắc.

Điển hình là các hoạt động: thưởng thức chiếu chèo Đoài ngay tại đình làng cổ, tham quan các vật dụng thể hiện đời sống của người dân làng cổ, các công cụ lao động của nhà nông như: nong, nia, dần, sàng, cối giã gạo, dụng cụ nấu kẹo bột, làm tương; cùng làm và thưởng thức đặc sản bánh tẻ, chè kho... rất hấp dẫn đối với đa số du khách. 100% người dân làng cổ cũng đã được UBND thành phố phối hợp với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức học tập Luật Di sản văn hoá và ký cam kết tôn tạo, sửa chữa nhà theo đúng qui định của UBND thành phố Sơn Tây về bảo tồn các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể ở làng cổ.

Với vị trí thuận lợi, cách trung tâm thủ đô Hà Nội trên 50km, làng cổ Đường Lâm cùng với nhiều điểm du lịch khác ở xứ Đoài đang là điểm đến rất phù hợp cho các tour tham quan, nghỉ dưỡng trong thời gian ngắn. Đặc biệt, với những ngôi nhà xây hoàn toàn bằng đá ong, lợp ngói mũi hài cổ kính, môi trường sinh thái trong lành..., làng cổ Đường Lâm đã thực sự trở thành biểu trưng đặc sắc của nền văn minh lúa nước, là địa chỉ lý tưởng cho những du khách ưa thích loại hình du lịch văn hoá, lễ hội.

Hiện quần thể di tích này còn lưu giữ gần 1.000 ngôi nhà cổ truyền thống, trong đó có khoảng 300 ngôi nhà có niên đại từ 100 - 200 năm, 7 di tích cấp quốc gia, 16 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Kể từ khi được công nhận là di tích quốc gia (năm 2006), Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; UBND tỉnh Hà Tây và thành phố Sơn Tây đã quan tâm đầu tư hàng chục tỷ đồng để tu bổ đình Mông Phụ và một số ngôi nhà cổ khác đang bị xuống cấp; nâng cấp các cơ sở hạ tầng như: đường, biển báo giao thông, hệ thống điện chiếu sáng, bến bãi đỗ xe; xây dựng các gian giới thiệu và bán các đặc sản ẩm thực, đồ lưu niệm... cho làng cổ.

Vừa qua, các chuyên gia đoàn hợp tác Cục Tài sản - Bộ Văn hóa Nhật Bản đã đến Đường Lâm giúp về kỹ thuật bảo tồn để sửa chữa 6 ngôi nhà cổ và cổng làng Mông Phụ với kinh phí đầu tư hơn 1 tỷ đồng. Theo Ban quản lý làng cổ, từ đầu năm 2008 đến nay, Đường Lâm đã đón hơn 8.000 lượt du khách, trong đó gần 50% là khách nước ngoài đến tham quan, tìm hiểu các giá trị văn hoá của ngôi làng cổ duy nhất đã được xếp hạng di tích quốc gia này.
TTXVN