Hà Nội tổ chức Liên hoan Tín ngưỡng thờ Mẫu năm 2014
Cập nhật: 08/05/2014
(TITC) - Kế thừa thành công của Liên hoan nghi lễ Chầu văn Hà Nội lần thứ nhất năm 2013, từ tháng 4 đến tháng 11/2014, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội tiếp tục triển khai kế hoạch tổ chức Liên hoan Tín ngưỡng thờ Mẫu – Hà Nội năm 2014. 

 Liên hoan nghi lễ Chầu văn Hà Nội lần thứ nhất năm 2013

Liên hoan Tín ngưỡng thờ Mẫu – Hà Nội năm 2014 là cơ hội để các nhóm thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Hà Nội và các tỉnh bạn gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm; qua đó nâng cao đời sống tinh thần và tôn vinh tín ngưỡng truyền thống dân tộc, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa Tín ngưỡng thờ Mẫu trong đời sống hiện đại. Đây cũng là một trong những hoạt động thiết thực hướng đến việc vận động UNESCO công nhận Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Việc đổi tên gọi “Liên hoan nghi lễ Chầu văn” thành “Liên hoan Tín ngưỡng thờ Mẫu” phản ánh đầy đủ tính chất của loại hình văn hóa dân gian này, giúp quần chúng nhân dân có cái nhìn đúng đắn, sâu sắc về Tín ngưỡng thờ Mẫu; qua đó tăng cường giáo dục tinh thần yêu nước và quý trọng những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc.

Quy tụ sự tham gia của các nhóm, câu lạc bộ thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu, các Thanh đồng trong thành phố Hà Nội và các đoàn thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu đến từ một số tỉnh, thành trong cả nước, Liên hoan tín ngưỡng thờ Mẫu Hà Nội 2014 được tổ chức thành 3 đợt. Đợt 1 - liên hoan cấp cơ sở - bắt đầu từ tháng 4/2014 được triển khai thực hiện rộng rãi tại nhiều địa điểm trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đợt 2 – liên hoan cấp quận, huyện - từ tháng 9 đến tháng 10/2014 diễn ra tại một số đền, phủ thờ Mẫu ở Hà Nội. Đợt 3 - liên hoan cấp thành phố - được tổ chức tại các điểm văn hóa công cộng thuộc các quận nội thành Hà Nội trong tháng 11/2014.

Trong khuôn khổ liên hoan còn tổ chức tọa đàm về thực trạng văn hóa Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Hà Nội nhằm liên kết các nhà nghiên cứu văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng và đại diện các chủ thể tham gia thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu trong việc nghiên cứu thực trạng hoạt động và bước đầu đề xuất các giải pháp quản lý loại hình tín ngưỡng này tại Hà Nội; khảo sát, xây dựng hồ sơ kiểm kê tín ngưỡng thờ Mẫu và các tư liệu liên quan đến đền, phủ, điện thờ Mẫu trên địa bàn thành phố. 

Thờ Mẫu là tín ngưỡng dân gian thuần Việt, có lịch sử lâu đời và biến chuyển thích ứng với sự thay đổi của xã hội. Tín ngưỡng thờ Mẫu là sự tin tưởng, ngưỡng mộ, tôn vinh và thờ phụng những vị nữ thần được cho rằng có chức năng sáng tạo, bảo trợ và che chở cho sự sống của con người như: Thánh Mẫu (Liễu Hạnh, Chúa Xứ, Linh Sơn, Thượng Ngàn …), Quốc Mẫu (Âu Cơ), Vương Mẫu (mẹ của Thánh Gióng).

Trải qua biến thiên của lịch sử, Tín ngưỡng thờ Mẫu đã phát triển thành Tín ngưỡng Tam phủ (Thiên phủ, Nhạc phủ, Thoải phủ), Tứ phủ (ba phủ trên và Địa phủ).

Thờ Mẫu Tam phủ - Tứ phủ với nghi lễ tiêu biểu là Chầu văn (Hầu đồng) không chỉ là tín ngưỡng tôn giáo mà còn là một sinh hoạt văn hóa truyền thống về các thần linh trong lịch sử dân tộc.

 

Phạm Phương