Quảng Ninh bảo vệ môi trường biển để phát triển du lịch bền vững
Cập nhật: 16/06/2014
Những năm gần đây Quảng Ninh đã nỗ lực tăng cường công tác bảo vệ môi trường nói chung, môi trường biển nói riêng. Theo đó, bên cạnh việc tuyên truyền, nâng cao ý thức cho cộng đồng về quản lý và bảo vệ tài nguyên biển phát triển bền vững, Quảng Ninh đã thực hiện nhiều giải pháp để giảm thiểu các tác động gây ô nhiễm môi trường. 
 

Đồng thời, tăng cường quản lý, bảo vệ phát triển rừng, đặc biệt là rừng đầu nguồn, rừng ngập mặn; phê duyệt Quy hoạch trồng rừng ngập mặn; thực hiện các biện pháp ngăn chặn việc khai thác, săn bắt, kinh doanh các loài động, thực vật quý hiếm và khai thác thuỷ hải sản bằng các phương tiện huỷ diệt, quản lý và bảo vệ khu Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, vườn quốc gia Bái Tử Long...

Trong số đó, đáng nói nhất là việc thực hiện các giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại vịnh Hạ Long, như: Di chuyển các hoạt động khai thác, sàng tuyển, bóc rót than trên Vịnh, cấm các hoạt động chuyển tải clinker, xi măng và các loại hàng hoá rời (dăm gỗ, đá các loại…) trên vịnh Hạ Long. Gần đây nhất phải kể đến việc thực hiện di dời và quy hoạch các điểm cư dân làng chài trên vịnh, địa điểm nuôi hải sản bằng lồng bè, kế hoạch quản lý hoạt động vận chuyển khách tham quan du lịch và tàu lưu trú du lịch; lên phương án xử lý nước thải trên các tàu du lịch; tổ chức thu gom rác thải bảo vệ môi trường sinh thái trên vịnh Hạ Long, hạn chế tối đa việc phát triển quỹ đất đô thị bằng hình thức lấn biển; kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành di dời hai nhà máy xi măng tại huyện Hoành Bồ ra khỏi khu vực gây tác động đến môi trường vịnh Hạ Long. Bên cạnh đó, để khắc phục và giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường khu vực ven bờ biển, các ngành chức năng đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, nhất là kiểm soát các khu vực có lượng phát thải lớn. Cụ thể, đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt tập trung; đẩy mạnh việc tuyên truyền bảo vệ môi trường bằng nhiều hình thức đến người dân và khách tham quan du lịch...

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng ở một số khu du lịch ven biển, hệ thống, cống rãnh thoát nước thải tại khu dân cư, nhà hàng, khách sạn v.v. vẫn để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là vào mùa hè, các dịp nghỉ lễ cuối tuần, khi lượng khách du lịch tăng cao. Vào những ngày này, không khó để nhận thấy rác thải vứt một cách bừa bãi, chưa được thu gom, xử lý triệt để, dẫn tới tình trạng ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan khu du lịch. Đó là còn chưa kể đến có nơi, vẫn còn tình trạng rác thải xả trực tiếp xuống biển. Tại một số khu vực ven biển, hệ thống xử lý nước thải chưa được đầu tư đồng bộ, vào những ngày nắng nóng, tình trạng ô nhiễm càng trở nên trầm trọng... Thực trạng này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường, hình ảnh các khu du lịch ven biển.

Các chuyên gia môi trường cho rằng, thực tế phát triển du lịch thường đi kèm với những tác động tiêu cực đến môi trường. Nếu trong quá trình phát triển, các tác động tiêu cực đến môi trường không được đi cùng những biện pháp bảo vệ môi trường quản lý hữu hiệu thì hậu quả sẽ dẫn tới suy thoái môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển du lịch bền vững. Vì vậy, trong quá trình phát triển du lịch phải lồng ghép các yêu cầu và giải pháp về bảo vệ môi trường ngay từ khâu lập quy hoạch, từ xây dựng các chiến lược phát triển đến triển khai các dự án, thiết kế các sản phẩm du lịch cụ thể.

Đối với Quảng Ninh, du lịch biển đang là thế mạnh của địa phương. Mỗi năm, mùa hè đến, lượng khách du lịch tham quan, nghỉ dưỡng tại các khu du lịch biển trên địa bàn tỉnh lại gia tăng. Do đó, cần phải có những giải pháp bảo vệ và hạn chế tối đa mức độ ô nhiễm môi trường biển. Bởi lẽ, sự tồn tại và phát triển của du lịch gắn liền với môi trường, du lịch phát triển chỉ khi môi trường được bảo vệ. Môi trường trong lành, cảnh quan thiên nhiên đẹp, hài hoà, đặc sắc của mỗi vùng, miền sẽ tạo nên những sự khác biệt và thu hút sự quan tâm tìm hiểu của khách du lịch...

Báo Quảng Ninh