Di sản thế giới Tràng An là động lực phát triển du lịch bền vững
Cập nhật: 04/08/2014
Vừa qua, tại kỳ họp lần thứ 38 diễn ra ở Doha (Qatar), Ủy ban Di sản Thế giới thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã chính thức ghi danh Quần thể danh thắng Tràng An của tỉnh Ninh Bình vào Danh mục Di sản Thế giới.
 

Đặc biệt, đây là di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam được công nhận trên cả hai tiêu chí văn hóa và thiên nhiên.

Di sản thế giới kép

Cách Thủ đô Hà Nội khoảng 90km về phía đông nam, Quần thể danh thắng Tràng An của tỉnh Ninh Bình có diện tích vùng lõi là 6.172ha với ba khu vực đặc biệt quan trọng gồm Kinh đô cổ Hoa Lư, khu danh thắng Tràng An - Tam Cốc - Bích Động và Rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư - chùa Bái Đính, trải dài trên địa bàn 12 xã của các huyện Gia Viễn, Hoa Lư, Nho Quan, thị xã Tam Điệp và thành phố Ninh Bình.

Vùng đệm có diện tích 6.268ha trên địa bàn của 18 xã cũng thuộc các địa phương nêu trên.

Toàn bộ khu vực di sản là vùng bán sơn địa, thấp dần về phía Nam và Đông Nam. Phía Bắc và Tây Bắc là các dải đồi Bái Đính cao 187m.

Phía Tây Nam và Nam là dải đá vôi Đồng Tâm - Sơn Hà, Tam Cốc - Bích Động cao trung bình 162m. Phía Đông Nam và Đông Bắc là dải đá vôi Trường Yên, trong đó có núi Cột Cờ thuộc xã Trường Yên cao 246m. Phía Đông Bắc và Bắc là dải đá vôi Tràng An thấp hơn với độ cao 198m.

Đan xen trong các dải đá vôi kể trên là hệ thống đa dạng các thung lũng, hố sụt karst cùng phương hoặc vòng cung, vách dựng đứng, đáy khá bằng phẳng ở các độ cao khác nhau.

Nhiều thung lũng, hố sụt như ở đền Trần - Tràng An, Trường Yên, Bái Đính trở thành các trũng karst đầm lầy, thông với nhau bởi mạng lưới thủy văn khá phát triển với nhiều hang động xuyên thủy.

Thảm thực vật nguyên sinh phát triển rậm rạp trên đá vôi, trong đó đáng kể nhất là rừng đặc dụng Hoa Lư ở phía Tây và Tây Nam. Bao quanh khối đá vôi Tràng An là vùng đệm với chủ yếu là các cánh đồng lúa, ao hồ và vườn tược, nơi dân cư tập trung thành các làng xã, sinh sống chủ yếu bằng nghề nông.

Theo đánh giá của phó giáo sư - tiến sỹ Tống Trung Tín (Viện Khảo cổ học), vùng núi đá vôi Tràng An nổi tiếng và làm mê hoặc nhiều du khách không chỉ bởi cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, với nhiều hang động và sông ngầm huyền bí mà còn bộc lộ những dấu tích con người chinh phục và sinh sống hoà đồng với tự nhiên. Nhiều hang động ở đây đã được con người lựa chọn làm nơi cư trú trong thời kỳ tiền sử.

Vào thời kỳ mực nước biển đã ổn định, các hang động lại tiếp tục được lựa chọn làm nơi cư ngụ, ẩn náu, tạm lánh những lúc xung đột, chiến tranh, hay là nơi du chơi những lúc thanh bình, cũng là nơi thâm nghiêm tĩnh lặng cho việc tu đạo của con người trong các thời kỳ lịch sử.

Những thung lũng khá bằng phẳng được vây quanh bởi những ngọn núi đá vôi nhưng lại có thể nối với nhau bằng hệ thống sông ngòi luồn lách qua những hang động ngầm, khiến cho Tràng An có vai trò là khu vực bản lề trong lịch sử đấu tranh giành độc lập của dân tộc.

Theo ông Tín, chứng cứ rõ ràng nhất thể hiện ở chỗ nơi đây được vua Đinh Tiên Hoàng chọn xây dựng kinh đô Hoa Lư của nước Đại Cồ Việt, nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam sau khi giành độc lập, tự chủ ở thế kỷ thứ 10.

Hơn 10 thế kỷ trôi qua, tuy kinh thành Hoa Lư xưa không còn nữa, nhưng sự hiện hữu của những di tích gắn liền với ba triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý như: đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, đền thờ vua Lê Đại Hành, cầu Đông, cầu Dền; những dấu tích của thành Đông, thành Bắc, thành Dền, thành Nam…, tất cả đã tạo nên một không gian văn hóa Hoa Lư huyền thoại.

Vào những thế kỷ tiếp theo và cho đến ngày nay, những lợi thế tự nhiên được thiên nhiên ban tặng vẫn được người Việt tận dụng và không ngừng bồi đắp để phục vụ cho cuộc sống của mình, trong thời bình cũng như trong thời chiến.

Ba tiêu chí có giá trị nổi bật toàn cầu

Giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận, tập trung vào ba tiêu chí, là tiêu chí 5: Ví dụ tiêu biểu của truyền thống cư trú của loài người, truyền thống sử dụng đất hoặc sử dụng biển đặc trưng cho một hay nhiều nền văn hóa, hoặc quá trình tương tác giữa con người với tự nhiên đang trở nên dễ bị tổn thương dưới tác động của những thay đổi không thể đảo ngược; tiêu chí 7: Chứa đựng những hiện tượng tự nhiên đặc sắc hoặc các khu vực có vẻ đẹp tự nhiên và giá trị thẩm mỹ vượt trội; tiêu chí 8: Ví dụ nổi bật đại diện cho các giai đoạn lịch sử chính của Trái Đất, bao gồm cả tiến trình phát triển sự sống, những quá trình địa chất đang hình thành nên các dạng địa hình, các đặc điểm địa mạo hoặc sơn văn nổi bật.

Ở tiêu chí 5 về văn hóa, Quần thể danh thắng Tràng An là một ví dụ nổi bật về sự tương tác giữa con người và môi trường ở khu vực Đông Nam Á, trải qua hơn 30.000 năm lịch sử phát triển của con người từ Hậu kỳ Pleistocene đến Holocene.

Các cuộc nghiên cứu khảo cổ học và việc phục dựng lại môi trường cổ đã hé lộ chuỗi phát triển văn hóa và hoạt động của người cổ, trong mối quan hệ chặt chẽ với tiến hóa địa chất gần đây của khối karst đá vôi, làm biến chuyển mạnh mẽ giữa các môi trường lục địa, đảo và bờ biển.

Chính vì vậy, Tràng An thể hiện rõ là một kho thông tin nguyên vẹn về thích ứng của con người với các điều kiện biến đổi môi trường, trải qua một số những biến đổi về địa lý và khí hậu khắc nghiệt nhất trong lịch sử gần đây của trái Đất, đặc biệt là những biến đổi diễn ra vào cuối và ngay sau thời kỳ băng hà cuối cùng.

Tràng An là nơi chứa đựng các thông tin về sự tương tác giữa con người và môi trường qua thời gian, là một trong số ít các địa điểm có giá trị ở Đông Nam Á giữ được các đặc điểm ban đầu và không bị ảnh hưởng lớn bởi con người, động vật và các tác nhân khác.

Về khía cạnh thẩm mỹ ở tiêu chí 7, cảnh quan tháp karst của Tràng An nằm trong số những khu vực đẹp nhất thuộc kiểu này trên trái Đất. Ngự trị cảnh quan là một dãy các tháp đá vôi và núi hình nón bao bọc bởi các vách cao. Chúng nối liền nhau ở nhiều chỗ bởi các sống núi sắc cạnh bao trọn các hố sụt sâu và các thung lũng ngập nước, nối với nhau bởi vô số các dòng suối và hang động ngầm, một vài nơi có thể đi lại bằng thuyền.

Ngồi trong con đò lướt nhẹ trên sóng nước, du khách có thể trải nghiệm sự gắn kết gần gũi với môi trường và tận hưởng cảm giác thanh bình và an toàn.

Những ngọn núi hùng vĩ, hang động huyền bí, sông nước thanh tĩnh và nhiều đình chùa linh thiêng của Tràng An đã truyền cảm hứng cho biết bao thế hệ đến với mảnh đất này. Đây là một nơi mà thiên nhiên và văn hóa không thể tách biệt, nơi mà văn hóa chứa đựng sự kỳ diệu, bí ẩn và hùng vĩ của thế giới tự nhiên và đã được tự nhiên cải biến.

Đối với tiêu chí 8 về địa chất, địa mạo, quần thể danh thắng Tràng An nổi bật trong số các cảnh quan tháp karst đá vôi của thế giới và không có gì sánh bằng trên phạm vi toàn cầu, minh chứng cho các giai đoạn cuối cùng của quá trình tiến hóa karst trong môi trường khí hậu nhiệt đới ẩm.

Tràng An nổi bật toàn cầu một cách rõ ràng và tổng quát về đặc trưng cảnh quan karst đá vôi nhiệt đới ẩm, bao gồm các nón karst, tháp karst, các hố sụt, các bồn địa, ngấn đầm lầy, hang ngập, sông ngầm và các hang động với các trầm tích trong đó.

Có ý nghĩa khoa học lớn là sự hiện diện trong cùng một cảnh quan các dạng chuyển tiếp giữa karst chóp nón, với các nón liên kết với nhau qua các sống núi sắc mảnh, và karst tháp đứng rời rạc trên cánh đồng bóc mòn phủ lớp phù sa.

Không có nơi nào trên thế giới cho thấy sự chuyển tiếp cảnh quan karst này tốt hơn và rõ hơn Tràng An. Câu chuyện tiến hóa karst đã được kể khá kỹ ở Tràng An, thậm chí còn mang ý nghĩa khoa học lớn hơn với các bằng chứng dao động mực nước biển ở đây trong quá khứ.

Trong thời kỳ Pleistocene và Holocene, các rìa của sơn khối Tràng An bị biển xâm lấn và biến cải nhiều lần. Tràng An được coi là có tầm quan trọng toàn cầu trong việc minh họa sự tương tác của quá trình tiến hóa karst với những dao động mực nước biển và mực nước ngầm có liên quan.

Như vậy, quần thể danh thắng Tràng An có diện tích và phạm vi đủ rộng để chứa trong nó tập hợp đầy đủ các giá trị và đặc biệt nổi bật về tự nhiên và văn hóa.

Con người ở cố đô Hoa Lư dường như đã có ý thức bảo tồn những di sản được thiên nhiên và lịch sử ban tặng một cách tự nguyện và đầy hiệu quả.

Tính toàn vẹn và chân xác của các giá trị di sản nơi đây là cơ sở ban đầu nhưng vô cùng vững chắc cho một tương lai phát triển của địa phương, với du lịch vốn được mệnh danh là ngành công nghiệp không khói. Nhưng trước hết, đó là một bảo tàng tự nhiên khá toàn vẹn để những nghiên cứu khoa học về lịch sử Trái đất, cổ sinh học và lịch sử nhân loại có thể nối tiếp diễn ra ở mọi cấp độ khác nhau trong tương lai.

Đây cũng là nơi lưu giữ lịch sử quá trình tiến hóa, phát triển của con người bản địa, từ những tộc người hoang sơ đã tạo dựng nên một đất nước, một quốc gia Đại Cồ Việt với cương vực rõ ràng, với nền độc lập được khẳng định chủ quyền và những lớp văn hóa đa tầng, đa dạng trong một hiện trạng được bảo tồn nghiêm ngặt.

Đó cũng chính là lý do để Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình, lập hồ sơ đệ trình UNESCO đề nghị công nhận Quần thể danh thắng Tràng An là Di sản thế giới.

Tạo động lực để phát triển du lịch

Ông Đinh Thế Thập, Cục trưởng Cục thống kê tỉnh Ninh Bình cho biết tính đến hết tháng Bảy, lượng khách đến thăm quan tại các địa điểm du lịch trên địa bàn ước đạt gần 3,5 triệu lượt, số ngày khách lưu trú tăng 10,5%, doanh thu từ khách sạn đạt hơn 100 tỷ đồng, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước.

Chị Trần Thanh Huyền, một thuyết minh viên du lịch bày tỏ hy vọng sau khi Quần thể danh thắng Tràng An của tỉnh Ninh Bình chính thức trở thành di sản thế giới, khách du lịch sẽ biết đến địa danh này nhiều hơn và người dân cũng sẽ có thêm nhiều việc làm hơn.

Chị Huyền mong muốn ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch thường xuyên tổ chức nhiều khóa tập huấn để đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên có điều kiện bổ sung kiến thức, nhất là thêm hiểu về bề dày truyền thống trên mảnh đất cố đô Hoa Lư lịch sử, qua đó phục vụ du khách ngày một tốt hơn.

Việc sở hữu Quần thể danh thắng Tràng An, trong đó có khu du lịch sinh thái Tràng An, khu du lịch Tam Cốc-Bích Động, khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư và rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư thực sự là động lực để du lịch Ninh Bình phát triển, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Thời gian tới, tỉnh Ninh Bình xác định đưa năm vùng vào diện quản lý chặt chẽ phục vụ công tác gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới - Quần thể danh thắng Tràng An gồm khu vực bảo vệ nghiêm ngặt; khu vực khoanh vùng bảo vệ các công trình di tích lịch sử kiến trúc-nghệ thuật, di tích, di chỉ khảo cổ; khu vực bảo tồn đan xen giữa nơi được bảo vệ nghiêm ngặt và nơi dùng để phát triển du lịch; khu vực dành riêng cho phát triển du lịch; khu vực làng xã có cư dân sinh sống.

Lãnh đạo tỉnh Ninh Bình cam kết thiết lập hành lang bảo vệ, ngăn chặn tất cả những tác động xấu đến môi trường tự nhiên. Riêng khu vực bảo tồn nghiêm ngặt sẽ không có bất kỳ hoạt động khai thác nào làm ảnh hưởng đến tính vẹn toàn, nguyên gốc của di sản.

Với chủ đề "Kết nối các di sản thế giới", Chương trình Năm Du lịch quốc gia 2015 sẽ có 11 sự kiện văn hóa, du lịch đặc sắc, thu hút các tỉnh, thành trong cả nước có di sản thế giới tham gia. Theo đó, tỉnh Ninh Bình chủ động đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch theo chiều sâu, chú trọng việc kết nối các di tích, di sản, giữa cư dân các điểm du lịch với du khách, giữa hoạt động quản lý, khai thác văn hóa du lịch với phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Thắng khẳng định việc quần thể danh thắng Tràng An đuợc UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới là niềm tự hào, phấn khởi của địa phương, song cũng đặt ra cho Ninh Bình nhiều thử thách trong việc gìn giữ, bảo tồn, quảng bá các giá trị văn hóa, tự nhiên, cảnh quan môi trường, những giá trị nổi bật toàn cầu của di sản để chuyển giao nguyên vẹn cho các thế hệ mai sau.

Trong tương lai, khu di sản này không những có vai trò quan trọng trong việc kết nối các điểm đến của Ninh Bình và cả trong khu vực Đồng bằng sông Hồng, mà còn tạo ra tiềm năng cơ hội để Ninh Bình trở thành điểm trung chuyển khách du lịch của cả vùng Duyên hải Bắc Trung Bộ.

Để thực hiện mục tiêu trên, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình đã xây dựng và ban hành kế hoạch quản lý di sản theo hướng dẫn của UNESCO, trong đó xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ bảo tồn, phân vùng khu vực quản lý và bảo tồn, các giá trị cần bảo tồn, các kế hoạch bảo tồn và phát triển hàng năm, đồng thời nêu rõ vai trò, trách nhiệm của Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An, các Sở, ngành, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp và toàn dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Cùng với đó, tỉnh tiếp tục phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bổ sung, hoàn thiện Quy hoạch tổng thể Tràng An trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng giúp tỉnh quản lý các hoạt động đầu tư, xây dựng, bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa, địa chất - địa mạo và khảo cổ học gắn với phát triển du lịch bền vững.

Vietnam+