Du lịch ĐBSCL hướng tới xây dựng sản phẩm đặc trưng từ lễ hội
Cập nhật: 18/03/2015
Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL – vấn đề được đặt ra ở nhiều cuộc hội thảo, hội nghị và tọa đàm. Thậm chí, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) có hẳn đề án "Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL" nhằm khắc phục vấn đề trùng lặp sản phẩm du lịch giữa các địa phương vùng ĐBSCL. Tại hội nghị tổng kết hoạt động của Hiệp hội Du lịch ĐBSCL vừa tổ chức ở TP. Bến Tre, vấn đề này một lần nữa được đem ra "mổ xẻ".

Có nhiều bước chuyển

So với những năm trước, sản phẩm du lịch vùng ĐBSCL đã có nhiều thay đổi. Các địa phương đều chủ động xây dựng thêm điểm đến, sản phẩm mới, góp phần đa dạng sản phẩm du lịch của vùng, thu hút du khách. Điển hình, Bến Tre có khu du lịch Cồn Bửng, tuyến du thuyền trên dòng sông Thơm – Mỏ Cày Nam, du lịch sinh thái Làng nghề Cồn Ốc – Hưng Phong, Giồng Trôm. An Giang có tour du lịch mùa nước nổi Vàm Nao - huyện Phú Tân, cáp treo Núi Cấm đi vào hoạt động. Đồng Tháp có thêm khu du lịch Đồng Sen Tháp Mười đậm nét đặc trưng. Bạc Liêu có Khu du lịch Nhà Mát, Khu du lịch sinh thái Hồ Nam; Quảng trường Hùng Vương. TP. Cần Thơ có thêm điểm đến mới là Thiền Viện Trúc Lâm Phương Nam… Năm 2014 ngành du lịch ĐBSCL đón trên 22,4 triệu lượt khách, tăng gần 8,3% so với cùng kỳ; doanh thu du lịch vùng đạt 6.360 tỉ đồng, tăng 23,7% so với năm 2013.

Gần đây, các tỉnh thành ĐBSCL cũng đã đề ra nhiều chính sách thu hút các dự án du lịch đầu tư triển khai như khách sạn 5 sao Mường Thanh, dự án sân golf, khu khách sạn thương mại phức hợp của Vingroup, Lotte Mart, cầu đi bộ từ Bến Ninh Kiều qua Cồn Cái Khế (Cần Thơ); Vinpearl Phú Quốc (Kiên Giang); khu đô thị văn hóa – thương mại – du lịch Làng Sen Việt Nam (Long An); khu nghỉ dưỡng cao cấp Forever Green Resort (Bến Tre)… Với những dự án đã và đang triển khai này, bộ mặt du lịch ĐBSCL sẽ có nhiều đổi thay và được nâng chất. Ông Phạm Thế Triều – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL - cho biết: "Có thể ví sản phẩm du lịch tựa như món ăn. Nếu chúng ta có nhiều món ngon, đặc sắc, thực đơn phong phú, du khách sẽ có nhiều lựa chọn. Địa phương nào có nhiều "món ngon", du khách sẽ đến thường xuyên, quan trọng là biết đầu tư xây dựng, nắm bắt nhu cầu thị trường". Điển hình, An Giang là địa phương chịu khó xây dựng sản phẩm đặc thù và đạt được nhiều hiệu quả trong những năm qua. Việc mở tuyến cáp treo ở Núi Cấm không chỉ góp phần làm dịch vụ du lịch phong phú mà còn tạo đà thu hút nhiều dự án đầu tư về du lịch cho địa phương sắp tới như tuyến cáp treo và khu phức hợp thương mại của Núi Sam đang trong giai đoạn hoàn thành thủ tục để khởi công.

Mặc dù còn nhiều hạn chế nhưng những năm qua du lịch vùng ĐBSCL cũng dần tạo được chuyển biến, từng bước tháo gỡ khó khăn để phát triển.

Hướng tới sự kiện – lễ hội

Trên cơ sở phát huy tiềm năng của địa phương, những năm gần đây các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đang chủ động xây dựng, nâng chất các hoạt động lễ hội của bản xứ trở thành sự kiện du lịch, dần hình thành sản phẩm đặc trưng thu hút du khách gần xa. Theo ông Huỳnh Văn Hùng – Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bến Tre, Lễ hội Dừa đã qua ba lần tổ chức. Trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được lễ hội, năm 2015 diễn ra từ ngày 7 đến 13/4, được nâng chất mở rộng hơn với chủ đề "Cây Dừa Việt Nam hội nhập và phát triển". Điểm nhấn năm nay là tăng phần hội nhiều hơn với 10 hoạt động chính như: hội chợ, tuần lễ văn hóa – nghệ thuật – du lịch, cuộc thi đấu xảo các sản phẩm dừa, các hội thảo về du lịch…. Đây là sự kiện nhằm mục đích bảo tồn những nét đẹp văn hóa; đồng thời giới thiệu quảng bá sản phẩm đặc trưng của Bến Tre, hình thành sản phẩm du lịch độc đáo thu hút du khách. Năm 2014, Lễ hội Dừa thu hút khoảng 1 triệu lượt khách, dự kiến năm nay số lượng du khách tham quan sẽ tăng. Ngoài ra, Bến Tre còn nổi tiếng có "Ngày hội trái cây ngon" được tổ chức vào dịp Tết Đoan Ngọ (Mùng 5 tháng 5 âm lịch) ở huyện Chợ Lách, thu hút đông đảo du khách.

An Giang được xem là tỉnh nổi bật giàu tiềm năng về du lịch lễ hội. Ông Phạm Thế Triều – Phó Giám đốc Thường trực Sở VHTTDL tỉnh An Giang - cho biết: "Ngoài du lịch tâm linh, An Giang còn có nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc, nổi bật trong số đó là Lễ hội đua bò Bảy Núi, thường diễn từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9 âm lịch. Đây là hoạt động sinh hoạt văn hóa truyền thống lâu đời của đồng bào dân tộc Khmer ở hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, sau đó được tỉnh chủ động nâng chất, tổ chức thành giải thi đấu đua bò thu hút du khách. Sắp tới, chúng tôi sẽ xây dựng sân đua bò biểu diễn để bán theo tour". Một sự kiện đang dần hình thành ở An Giang nữa là Hội chợ ẩm thực các món ăn ngon của tỉnh An Giang mở rộng, diễn ra vào khoảng tháng 4 âm lịch, ngay dịp Lễ hội miếu Bà Chúa Xứ. Đây là hoạt động mới hình thành vào năm 2014, quy tụ trên 80 gian hàng, thu hút hàng chục ngàn du khách tham quan. Sự kiện này đang được tỉnh xây dựng để hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng về ẩm thực An Giang.

Nói đến ẩm thực, du khách không thể không nhắc đến "Ngày hội bánh dân gian Nam Bộ" của Cần Thơ. Ông Nguyễn Khánh Tùng - Giám đốc Trung Tâm Xúc tiến Đầu Tư – Thương mại – Du lịch Cần Thơ - cho biết: "Năm nay ngày hội được nâng lên thành "Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ", diễn ra từ ngày 27/ 4 đến 1/5 (dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, mùng 10/3 âm lịch) mở rộng quy mô trên 100 gian hàng, hơn 150 món bánh dân gian và đặc sản ở các vùng miền trong nước và quốc tế. Chúng tôi đang xây dựng lễ hội trở thành thương hiệu gắn với du lịch đặc trưng của Cần Thơ". Với chủ đề "Bánh dân gian Nam Bộ hướng đến hội nhập", điểm nhấn của lễ hội năm nay là không gian văn hóa ẩm thực đa sắc, chắt lọc những giá trị truyền thống vùng miền, lãnh thổ trong nước và quốc tế như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan. Lễ hội sẽ có nhiều hoạt động sôi nổi như: trình diễn nghệ thuật làm bánh, hội thi ẩm thực, các trò chơi, biểu diễn nghệ thuật dân gian. Ngoài ra, Cần Thơ còn có sự kiện Tuần lễ Du lịch xanh ĐBSCL, diễn ra từ ngày 26/6 đến ngày 2/7. Ông Lê Duy Khánh - Phó Cục trưởng, Cục công tác phía Nam - cho biết: "Tuần lễ Du lịch xanh ĐBSCL là sự kiện đầu tiên do Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Bộ VH, TT & DL và UBND TP Cần Thơ phối hợp tổ chức với mục đích đẩy mạnh phát triển du lịch khu vực ĐBSCL, mở ra cơ hội quảng bá, xúc tiến thu hút đầu tư và liên kết về du lịch". Đây là sự kiện cấp quốc gia với sự tham gia của nhiều tỉnh, thành có thế mạnh về du lịch trong cả nước, các thành phố lớn thuộc các nước tiểu vùng sông Mekong như: Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Lào và một số tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài. Sự kiện bao gồm chuỗi hoạt động: hội chợ du lịch, thương mại vùng ĐBSCL với quy mô trên 1.200 gian hàng, lễ khai mạc, các hội thảo về du lịch, tour khảo sát du lịch của báo chí và doanh nghiệp… và một số hoạt động bên lề như: cuộc thi Hoa khôi ĐBSCL, hội thi hướng dẫn viên du lịch, liên hoan ẩm thực ĐBSCL, đêm hội ngộ và giao lưu với các nghệ sĩ nổi tiếng…

Thực tế cho thấy, các tỉnh, thành ĐBSCL đang tích cực xây dựng thương hiệu, sản phẩm du lịch đặc trưng từ các sự kiện – lễ hội. Xu hướng này không chỉ quảng bá, mở ra nhiều cơ hội thu hút đầu tư, hợp tác về du lịch mà còn góp phần tạo điểm nhấn cho du lịch ĐBSCL – du lịch lễ hội.

Báo Cần Thơ