Du lịch sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn của An Giang
Cập nhật: 24/11/2016
Với nhiều danh thắng nổi tiếng, sản phẩm du lịch phong phú, An Giang có sức hút rất lớn với du khách trong và ngoài nước.

Thời gian qua, An Giang luôn nằm trong tốp dẫn đầu về số lượng khách tham quan cũng như doanh thu du lịch của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong bản đồ du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh An Giang nổi bật với nhiều khu, điểm tham quan hấp dẫn du khách. Trong đó, các khu du lịch như Miếu Bà Chúa Xứ (Núi Sam), Núi Cấm, rừng tràm Trà Sư... đã nổi tiếng với du khách trong cả nước. Điều đó lý giải vì sao, lượng khách du lịch đến An Giang luôn tăng cao qua từng năm.

Khu du lịch Núi Cấm (huyện Tịnh Biên) là nơi lý tưởng cho du lịch nghỉ dưỡng. Ảnh: Phú Khởi

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang, trong năm 2016, An Giang đón khoảng 6,4 triệu lượt khách du lịch, tăng 2,4% so với năm 2015. Doanh thu du lịch ước đạt 2.000 tỷ đồng, tăng 31,5% so với năm 2015.

An Giang nằm trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có hai nhánh sông Tiền và sông Hậu chảy qua, với hệ thống cù lao, kênh rạch chằng chịt, đồng ruộng phì nhiêu. Là tỉnh đồng bằng, nhưng An Giang có đồi núi với hệ sinh thái môi trường phong phú, có dãy Thất Sơn huyền bí, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hữu tình.

Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh có tới 1.198 di tích văn hóa, lịch sử, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt (Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng và Khu di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Óc Eo - Ba Thê thuộc nền văn hóa của Vương quốc Phù Nam xưa), 28 di tích cấp quốc gia và 52 di tích cấp tỉnh.

An Giang có 4 dân tộc cùng sinh sống lâu đời, gồm: Kinh, Hoa, Khmer và Chăm, với nhiều tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau và nhiều cơ sở thờ tự như đình, đền, chùa, miếu, với kiến trúc đặc sắc, mang đậm nét văn hóa của từng dân tộc. Chính đặc điểm đó đã tạo cho An Giang có nhiều tiềm năng và lợi thế trong phát triển du lịch.

So với nhiều địa phương trong cả nước, sản phẩm du lịch An Giang phong phú, với nhiều loại hình du lịch đa dạng, như du lịch tham quan, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch thể thao, vui chơi giải trí, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch tâm linh (tín ngưỡng).

Loại hình du lịch gắn với văn hóa tín ngưỡng, lễ hội là sản phẩm du lịch đặc trưng của An Giang. Đó là Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam (TP. Châu Đốc), Lễ Dolta và đua bò của người Khmer ở huyện Tri Tôn, Lễ hội mùa nước nổi Búng Bình Thiên (huyện An Phú), Lễ hội văn hóa dân tộc Chăm, Lễ khai sáng Phật giáo Hòa Hảo (huyện Phú Tân), các lễ giỗ danh nhân (Trần Văn Thành, Nguyễn Hữu Cảnh, Thoại Ngọc Hầu...).

Loại hình du lịch gắn với hệ sinh thái sông, núi, rừng và đồng quê ở An Giang trong thời gian qua đã thu hút sự quan tâm rất lớn của du khách. Đến An Giang, du khách sẽ thích thú khi trải nghiệm các tour du lịch trên sông Hậu tham quan làng bè; tour du lịch trên sông Tiền tham quan cù lao Giêng, làng lụa Tân Châu, cửa khẩu quốc tế đường sông Vĩnh Xương; tour tham quan rừng tràm Trà Sư, vùng Thất Sơn; tour du lịch homestay đồng quê tại cù lao Ông Hổ, cù lao Giêng; tour tham quan Búng Bình Thiên...

Cộng đồng dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer ở An Giang có những nét văn hóa rất phong phú và đa dạng. Khám phá, tìm hiểu đời sống văn hóa của cư dân, nhất là các làng nghề truyền thống (rèn, dệt, đan lát lục bình; sản xuất đường thốt nốt, bánh phồng) và thưởng thức các loại hình văn hóa đặc sắc của các dân tộc như hát dù kê, múa trống, múa chằng của người Khmer; hát dân ca, múa trống Paranưng, kèn Saranai của người Chăm... cũng là sản phẩm du lịch đặc sắc của An Giang.

Núi Cấm (huyện Tịnh Biên) có độ cao 716 m được xem là “nóc nhà” của Đồng bằng sông Cửu Long, với nhiệt độ bình quân 18 - 20°C, nên nơi đây còn được mệnh danh là “Đà Lạt miền Tây”. Đây là nơi lý tưởng để du khách đến nghỉ dưỡng, đồng thời khám phá vùng dược liệu kết hợp chăm sóc sức khỏe bằng các loại thảo mộc của vùng Thất Sơn.

Ngoài ra, An Giang còn hấp dẫn du khách với nhiều loại đặc sản truyền thống nổi tiếng được chế biến từ các loại nông, thủy sản tự nhiên như mắm Châu Đốc, các loại khô (chế biến từ cá, lươn, rắn ...) và các món ẩm thực như bánh phồng cá linh, xôi chiên phồng làm từ lúa nếp, gỏi sầu đâu, gà hấp lá trúc, bọ rày Bảy Núi, bánh bò đường thốt nốt, tung lò mò (lạp xưởng bò), cơm nị - cà púa Châu Đốc, cà ri chà (bò hoặc dê, cừu, gà, cá...) và rất nhiều loại bánh như đin-pà-gòn, ha-nàm-căn... của dân tộc Chăm.

Nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của du lịch địa phương, UBND tỉnh An Giang đã ban hành Quyết định 1008/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch tổng thể Phát triển ngành du lịch tỉnh An Giang từ năm 2014 đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, với mục tiêu là sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tăng tỷ lệ đóng góp trong cơ cấu GDP chung của tỉnh; góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển các ngành dịch vụ, tạo việc làm cho xã hội; xây dựng thương hiệu và phấn đấu đưa An Giang trở thành trung tâm du lịch của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Để đạt mục tiêu đó, tỉnh An Giang đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có việc kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển du lịch; đẩy mạnh xã hội hóa công tác đầu tư phát triển du lịch...

Ông Phạm Thế Triều, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang cho biết, tỉnh An Giang kêu gọi đầu tư nâng cấp các khu, điểm du lịch ở khu vực Núi Sam - Châu Đốc, Núi Cấm và các khu, điểm du lịch ở Tịnh Biên.

Theo ông Triều, lượng du khách đến An Giang dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chủ yếu là du lịch tâm linh, song khách lưu trú chưa nhiều. Vì vậy, để “giữ chân” du khách, An Giang khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào cơ sở hạ tầng lưu trú, như các resort lớn, khách sạn 4 - 5 sao, khu phức hợp trung tâm thương mại, dịch vụ tổng hợp, khu vui chơi, giải trí, mua sắm và ẩm thực...

Trúc Giang

Báo Đầu tư