Homestay Ninh Bình: Loại hình du lịch “níu chân” du khách
Cập nhật: 31/03/2017
Những năm gần đây, du lịch “homestay” đã bắt đầu phát triển ở Ninh Bình và mang lại hiệu quả thiết thực. Loại hình nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay) tại Ninh Bình đang được nhiều du khách trong nước và quốc tế quan tâm lựa chọn vì sự mới mẻ, dân dã. Homestay là cách mở rộng không gian, hướng về du lịch chất lượng, kéo dài thời gian lưu trú và nâng cao khả năng chi tiêu của du khách.  

Ông Bùi Xuân Hồng, thôn Mai Trung, xã Gia Vân (Gia Viễn) cho biết: Du khách rất thích trải nghiệm không khí gia đình theo hình thức ba cùng: Cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc và sinh hoạt văn hóa bản địa với người dân địa phương. Thực tế cho thấy chỉ trong thời gian rất ngắn, du khách vừa có cơ hội được thưởng ngoạn vẻ đẹp của danh lam thắng cảnh, di sản, vừa có thể hiểu thêm về nét ăn ở, sinh hoạt, văn hóa của người dân địa phương.

Homestay đem lại lợi ích kinh tế trực tiếp cho người dân địa phương, nhiều du khách đến đây đã lưu lại dài ngày và chi tiêu nhiều hơn, số tiền mà người dân thu được từ dịch vụ homestay được tăng lên đáng kể, góp phần vào giảm nghèo và nâng cao lòng tự hào, tình yêu quê hương của người dân địa phương. Nếu so sánh giá một ngày đêm nghỉ tại các khách sạn từ 300 nghìn đến trên 1 triệu đồng như hiện nay, thì ngủ đêm theo hình thức Homestay chỉ là 80 đến 100 nghìn đồng/người, cùng với mỗi suất ăn theo kiểu cơm gia đình, thực khách chỉ bỏ ra khoảng 130 - 140 nghìn/suất. Ngoài ra, du khách dùng dịch vụ nào, thì trả phí dịch vụ đó. Ví như, du khách có sở thích câu cá, thì trả phí theo giờ câu. Khách có nhu cầu dã ngoại bằng xe đạp, thì thuê xe theo buổi. Du khách có sở thích làm hàng thủ công, chế biến, làm các món ẩm thực của Việt Nam, thì có thể tự đi chợ hoặc nhờ gia đình mua sắm nguyên liệu giúp đỡ, hướng dẫn...

Chính sức hút văn hóa thẩm thấu qua đời sống thường nhật ở bản địa đã tạo nên đặc trưng của sản phẩm du lịch homestay. Theo thống kê của ngành du lịch, trong những năm qua, các hộ kinh doanh homestay trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch với tổng số vốn đầu tư gần 120 tỷ đồng, xây dựng 767 phòng nghỉ (khoảng 1.250 giường).

Trao đổi với một số gia đình đang làm dịch vụ Homestay, để đầu tư một phòng đạt được sự “tươm tất, sạch sẽ” để khách vừa lòng đến ở cùng nhà cần khoảng từ 50 đến 70 triệu đồng. Với nguồn vốn bỏ ra đầu tư ở mức không quá cao so với khả năng kinh tế ở mỗi gia đình nông thôn Ninh Bình. Cùng với đó, từ Homestay đã tạo việc làm cho 292 lao động địa phương có thu nhập ổn định, góp phần phát triển kinh tế hộ và của địa phương.

Cùng với lợi thế về tiềm năng, thế mạnh du lịch của Ninh Bình, hoạt động và tốc độ phát triển Homestay cũng không ngừng mở ra. Vài năm trước, chỉ có 3-5 gia đình ở gần khu, điểm du lịch, thì nay đều đã xuất hiện ở tất cả các huyện, thành phố trong toàn tỉnh. Trong đó huyện Gia Viễn có 26 cá thể, huyện Nho Quan có 21 cá thể, huyện Hoa Lư có 19 cá thể, huyện Yên Mô có 15 cá thể, huyện Yên Khánh 10 cá thể, huyện Kim Sơn 8 cá thể ...

Tuy nhiên, loại hình kinh doanh nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê - homestay vẫn còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân thứ nhất có thể kể ra, đó là nguồn vốn hạn hẹp nên các hộ kinh doanh chỉ đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch theo quy mô nhỏ chủ yếu là hộ gia đình, đầu tư kinh doanh mang tính tự phát. Nhiều hộ sử dụng phòng ngủ của gia đình để phục vụ khách du lịch. Nguyên nhân thứ hai, là hầu hết lao động trong gia đình tham gia làm homestay chưa được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ về du lịch và ngoại ngữ, số lao động có kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ du lịch, ngoại ngữ chiếm tỷ lệ rất thấp. Nhiều hộ chưa nghiên cứu sáng tạo để làm phong phú các dịch vụ du lịch cho du khách. Phần lớn các hộ kinh doanh mới chỉ tập trung vào dịch vụ lưu trú thuần thúy, thiếu dịch vụ bổ sung và chương trình trải nghiệm cuộc sống bản, làng. Một số hộ kinh doanh chưa chấp hành nghiêm các quy định kinh doanh về lưu trú du lịch. Do đó, hiệu quả kinh doanh không cao và kém bền vững.

Để khai thác và phát huy hơn nữa tiềm năng thế mạnh du lịch của tỉnh, khắc phục tồn tại trong hoạt động kinh doanh homestay, đồng chí Nguyễn Khắc Khoan, Trưởng Phòng nghiệp vụ du lịch Sở Du lịch cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục phát triển loại hình du lịch homestay theo hướng khuyến khích các hộ dân trên địa bàn đầu tư phát triển nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay) theo quy hoạch phát triển du lịch đã được duyệt. Phát triển loại hình kinh doanh homestay đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự xã hội, góp phần tham gia bảo vệ môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa địa phương, tạo việc làm, có thu nhập cho cộng đồng dân cư địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Vẫn theo đồng chí Nguyễn Khắc Khoan: Để hoạt động du lịch đạt chất lượng hiệu quả, đúng pháp luật, các cấp ngành không ngừng tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch đảm bảo bình đẳng. Tập trung tuyên truyền và chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết, các Văn bản hướng dẫn của trung ương, của tỉnh.

Các cấp ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, quảng bá rộng rãi trong cộng đồng địa phương, nhằm giúp họ hiểu rõ hơn lợi ích từ loại hình này, để tất cả mọi người cùng tham gia, góp phần làm phong phú thêm sản phẩm du lịch của địa phương. Thường xuyên mở các lớp tập huấn nâng cao tay nghề, kỹ năng giao tiếp, phục vụ, giữ gìn vệ sinh môi trường, không ngừng nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương. Tăng cường phát triển du lịch cộng đồng, phục hồi các làng nghề truyền thống, sinh hoạt, văn hóa của địa phương, lồng ghép với loại hình du lịch homestay, góp phần thu hút khách du lịch và nâng cao chất lượng của loại hình du lịch này…

Cùng với những giải pháp đồng bộ, loại hình du lịch homestay đang và sẽ mang lại hiệu quả cao cho kinh tế hộ gia đình tại địa phương, góp phần làm phong phú thêm loại hình du lịch của Ninh Bình. Để mô hình du lịch cộng đồng hoạt động hiệu quả, Ninh Bình xác định “Lấy văn hóa dân tộc là nền tảng và kim chỉ nam cho việc tạo ra các thế mạnh, các sản phẩm du lịch, đồng thời gắn việc khai thác du lịch với bảo tồn văn hóa để thu hút khách du lịch”.

Nguyễn Minh

baoninhbinh.org.vn