Để thực hiện tốt kế hoạch về phát triển du lịch, dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, việc tập trung đầu tư và nâng cao chất lượng cho các dịch vụ cao cấp cũng là vấn đề được UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế rất chú trọng.
UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế vừa ban hành mục tiêu của Kế hoạch 127/KH-UBND về triển khai thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị gắn với Nghị quyết 03-NQ/TU ngày 08/11/2016 của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về phát triển du lịch, dịch vụ thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Theo đó, để tập trung phát triển du lịch, dịch vụ thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Thừa Thiên – Huế phấn đấu đến năm 2020 đưa Huế trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á; đến năm 2030, xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành một điểm đến ngang hàng với các thành phố di sản văn hóa thế giới.
Kế hoạch xác định rõ các chỉ tiêu chủ yếu như đến năm 2020, Du lịch - dịch vụ sẽ đóng góp trên 55% GDP của tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng sản phẩm hiện có, đặc biệt chú trọng sản phẩm du lịch văn hóa – di sản; xây dựng một số sản phẩm mới có tính đặc trưng và có sức cạnh tranh cao. Tăng trưởng ổn định chỉ tiêu về lượt khách, tăng mạnh chỉ tiêu về doanh thu du lịch thông qua các thị trường khách có đẳng cấp, chỉ tiêu cao bằng cách tập trung đầu tư và nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch cao cấp.
Kế hoạch cũng xác định rõ các chỉ tiêu chủ yếu như đến năm 2020, Du lịch - dịch vụ sẽ đóng góp trên 55% GDP của tỉnh Thừa Thiên – Huế; Thu hút trên 5 triệu lượt khách, trong đó 3 - 3,5 triệu lượt khách lưu trú, tăng bình quân 12 - 15%/năm; khách quốc tế phấn đấu đạt 2,5 triệu lượt, tăng bình quân 13%/năm. Doanh thu du lịch đạt khoảng 6.000 tỷ đồng.Thời gian lưu trú bình quân đạt 2,1 ngày. Suất chi tiêu bình quân trên 1,5 triệu đồng/khách.
Đến năm 2030 sẽ thu hút hơn 7 triệu lượt khách, trong đó có 5 triệu lượt khách lưu trú; khách quốc tế đạt 3,5 triệu lượt. Doanh thu du lịch đạt khoảng 18.000 - 20.000 tỷ đồng. Thời gian lưu trú bình quân đạt 2,5 ngày.
Để thực hiện những chỉ tiêu đề ra, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp như tập trung nâng cao hiệu quả các nhiệm vụ về đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phát triển du lịch; nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; chú trọng đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch chủ yếu và hình thành nên một số sản phẩm mang tính đặc trưng của địa phương.
Thực hiện hiệu quả các công tác xúc tiến, quảng bá, du lịch và nâng cao cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; tập trung kêu gọi các Nhà đầu tư lớn, có thương hiệu tạo điểm nhấn và có sức ảnh hưởng đối với du lịch toàn tỉnh và tăng cường xã hội hóa các dự án đầu tư. Đổi mới mạnh mẽ tư duy về phát triển du lịch theo quy luật kinh tế thị trường; tập trung xây dựng các chính sách đột phát trong phát triển du lịch.
Trong số đó ưu tiên các chính sách kêu gọi đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phát triển du lịch; nâng cao nhận thức của toàn bộ hệ thống chính trị, xã hội về phát triển du lịch gồm cả lãnh đạo các cấp, các ngành, doanh nghiệp và cộng đồng bằng các việc làm, hành động cụ thể về vấn đề môi trường du lịch, quảng bá du lịch. Trước mắt là triển khai thực hiện bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch để nâng cao nhận thức cho toàn xã hội.
Thế Trung