Bản Nưa làm du lịch cộng đồng
Cập nhật: 22/09/2017
Những phụ nữ dân tộc Thái tại bản Nưa, xã Yên Khê, huyện Con Cuông (Nghệ An) đã giúp gia đình thoát nghèo nhờ tham gia chương trình du lịch cộng đồng.

Hơn 4 giờ chiều, ngoài hàng rào chè mạn nhà chị Lô Thị Hoa (Bản Nưa, xã Yên Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) đã thấp thoáng bóng tằng cấu của chị Mơ, chị In, chị Thành, chị Chiến. Nhóm Ẩm thực đã đến rồi.

Quanh gian bếp, người nổi lửa cho 5-6 nồi lớn, người đặt nước, rửa rau, ướp thịt, người băng vườn hái thêm mấy lá chanh. Gần chục món ăn truyền thống của người Thái tại Con Cuông cho bữa tiệc đón hơn 40 khách ăn và nghỉ tại Homestay số 1 Hoa Thụ, được thực hiện chỉ trong non tiếng đồng hồ. Đủ cả: cá Mát nướng giòn nguyên con, nguyên vị ngăm ngăm đắng và dai dai; gói Mọc mềm nhuyễn hoà quện thịt, rau củ, gạo nếp nắm lại, bọc trong lá chuối, ninh nhừ, phảng phất hương vị bánh chưng của người Kinh; cơm Lam nướng trong những ống nứa nhỏ, trắng nõn; thịt gà xiên lá chanh nướng lửa than; xôi cẩm, canh Khầu khiều, rau Rún, măng rừng…Toàn là những cây lá, thực phẩm từ vườn nhà, sông suối. Đặc biệt là những chùm hoa đu đủ đực được trần chín, xào thơm, và bát chẻo làm từ lá hẹ mang hương vị đặc trưng không nơi nào có. Tất cả được bày khéo léo lên chiếc mâm mây, lót lá chuối, trong những bát, đĩa, ống tre…

Chương trình văn nghệ phục vụ du khách được chuẩn bị ngay chân các nhà sàn của người Thái bản Nưa. Ảnh: Thùy Hương.

Phát triển kinh tế và giữ gìn bản sắc văn hóa

“Trước kia, chúng tôi chỉ bày lên mâm nhôm, bát sứ. Từ khi Ando – một chuyên gia tư vấn du lịch của JICA- tới đây, cùng chuyên gia ẩm thực hướng dẫn, chúng tôi đã biết khôi phục lại các món truyền thống của người Thái Con Cuông, và sử dụng đúng những đồ dùng mà tổ tiên người Thái xưa kia vẫn sử dụng. Ví như ông bà xưa kia ít dùng mỡ khi chế biến nên hay hấp, nướng; ông bà không có xoong nồi, bát đĩa thì đựng đồ ăn vào ống tre nứa bày trên lá…”- chị Hoa, chủ Homestay 1, cũng là thành viên tổ ẩm thực, vừa trải chiếu trên nhà sàn chuẩn bị đặt mâm, cho biết.

“Cá từ suối, hoa đu đủ, rau quả từ vườn, gà, lợn cũng nuôi trong vườn nhà, nên bất cứ khi nào khách cần, là nấu ăn được ngay. Năm chị em, từ các nhà lân cận, xúm lại, chỉ một lát là xong bữa cỗ” – chị Vi Thị Mơ vừa dừng tay cơm nước, đã cùng cả nhóm xúng xính trong chiếc áo cón duyên dáng của phụ nữ Thái, để đến giờ ăn, sẽ đến từng mâm, giới thiệu từng món ăn dân tộc với du khách. Cũng trong bộ trang phục này, sau bữa cơm của khách, chị sẽ cùng 16 thành viên của CLB Dân ca Thái bản Nưa trình diễn dân ca và các điệu múa cổ của dân tộc Thái dưới chân nhà sàn, cùng khách múa hát, uống rượu cần, hạn khuống (múa giã gạo)…

Một mâm cơm truyền thống được tái hiện để phục vụ khách du lịch. Ảnh: Việt Cường/JICA.

Trước kia, các gia đình tại bản Nưa chủ yếu kiếm sống bằng nghề nông. Những lúc cần trả tiền điện, mua đồ dùng, thì bán 1-2 con gà. Thanh niên đi làm xa cả, chị em phụ nữ chỉ biết làm việc nhà, đồng áng. Từ khi được hướng dẫn làm du lịch cộng đồng, người dân mới biết những hoạt động trong nhà, ngoài ruộng cũng có thể giúp tăng thu nhập. Các hộ tổ chức cho khách đi chơi bản trên xe trâu, bò kéo, xúc cá suối bằng dụng cụ truyền thống; tìm tòi và sử dụng cây thuốc trong vườn, trên núi…. Mũ nón đan xong, gom lại một nơi để đoàn khách du lịch đến có thể mua dễ dàng, trang phục dân tộc được giặt giũ thơm tho, để khách mượn chụp ảnh…

“Mỗi đêm văn nghệ, cả đội được thưởng năm trăm, một triệu đồng. Cả bản lại được đến tham gia vui cùng, và còn lưu giữ được các làn điệu cổ truyền nữa” – chị Vương Thị Thuận, trưởng nhóm CLB Dân ca Thái bản Nưa tâm sự. CLB Dân ca Thái bản Nưa do chị Thuận làm trưởng nhóm thành lập mới năm 2015, gồm nhiều thành viên trẻ tuổi hơn so với nhóm cũ đã lớn tuổi, để phục vụ du lịch. Trước kia, các chị sợ hát các bài dân ca của dân tộc mình thì không ai hiểu, không thích, nên xấu hổ. Được động viên, các chị hiểu rằng việc trình diễn các các làn điệu hay như Khắp Làm nương, Khắp đối đáp, Hạn khuống… giúp giữ gìn và giới thiệu nét đẹp trong văn hoá của người Thái, thì cả nhóm phụ nữ rất say sưa. “Tối đi hát quên hết nhọc nhằn làm việc ban ngày”- chị nói. Chị Thuận còn cho biết: “Tôi đang chỉ tham gia riêng nhóm văn nghệ này thôi. Nhưng sắp tới, tôi dự định sửa lại căn nhà sàn, tôn tạo sân vườn, nhà vệ sinh, để tham gia thêm vào nhóm home stay, đón khách du lịch. Ba hộ đang làm home stay trong bản hiện nay, hộ nào cũng khá giả hơn xưa, hàng năm có tiền để xây sửa nhà, mua đồ dùng mới”- chị bày tỏ. “Tôi sẽ hỏi Ando xem nhà tôi có làm homestay được không”.

Du khách thích thú với trải nghiệm tham quan bản trên xe trâu. Ảnh: JICA.

Giữ gìn tinh thần cộng đồng

TS Ando Katsuhiro mà người dân Bản Nưa hay nhắc đến, là chuyên gia về phát triển du lịch, Điều phối viên Dự án đa dạng hoá sinh kế dựa vào du lịch di sản tại các bản làng nông ngư nghiệp của tổ chức JICA (Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản). Từ năm 2014, TS Ando đã lặn lội lên huyện miền núi Tây Nam Nghệ An này, nơi cách trung tâm tỉnh hơn 130 km, sát biên giới Lào, là một trong những vùng xa xôi hẻo lánh, tách biệt, điều kiện kinh tế và mức sống của người dân thấp.

“Điều khiến tôi ấn tượng nhất khi đó là dù điều kiện kinh tế thấp nhưng tư duy cộng đồng và nhận thức của người dân rất cao. Đây cũng là vùng có tài nguyên du lịch chủ yếu là thiên nhiên”. Ando cho biết. “Mọi người nghĩ tới du lịch Nghệ An thường biết khu di tích ở Nam Đàn, tới biển Cửa Lò. Còn tại đây, cần phải làm gì? Đây quả là thử thách đối với nhiệm vụ của tôi”.

Sau hơn một năm khảo sát, tìm hiểu điều kiện, nhận thức của người dân, đến 2016, mô hình du lịch cộng đồng chính thức được áp dụng tại Bản Nưa. Một vài chủ nhà có tiếng nói trong cộng đồng được chọn làm hạt nhân để liên kết với các hộ xung quanh. Dự án thúc đẩy hình thành các nhóm: ẩm thực, homestay, dân ca và hỗ trợ để tăng cường năng lực cho các nhóm này.

Những điệu múa cổ truyền của đồng bào Thái làm say lòng du khách. Ảnh: JICA.

Những hộ gia đình tiêu biểu tham gia làm du lịch cộng đồng được đưa đi tập huấn tại Mai Châu (Hoà Bình), nơi đồng bào Thái khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam đã làm du lịch thành công. Hai lớp học kỹ năng được tổ chức: một do TS Phạm Hồng Long (ĐH KHXHNV Hà Nội) đứng lớp, dạy về du lịch, một do PGS người Nhật Kogo Chisato của trường đại học Kurashiki Sakuyo tập huấn. PGS Kogo tìm hiểu về phương thức nấu ăn của đồng bào Thái xưa kia, giúp dân tái tạo phương thức nấu nướng truyền thống.

Với du lịch, cơ sở hạ tầng là điều cần thiết. Bản Nưa như các bản của đồng bào Thái, vốn khá xinh xắn với những căn nhà sàn bằng gỗ, thoáng mát, xây dựng đăng đối quanh các trục đường chính. Nhà nào cũng có khoảng sân vườn xanh mát. Nhưng khu nhà tắm, vệ sinh thì chưa đạt yêu cầu để phục vụ khách du lịch. Kiến trúc sư Nhật Bản được mời sang, và quyết định không đặt thiết kế hiện đại vào cảnh quan tự nhiên. Những căn nhà tắm, nhà vệ sinh lát gạch men, vòi sen, xí bệt… hiện đại được xây dựng, nhưng tường bên ngoài được ốp đá suối, còn mái nhà lợp bằng mây tre, hài hoà với cảnh quan. “Sau một thời gian sử dụng, nếu có hư hại, dân hoàn toàn có thể tự tu sửa vẻ ngoài đó, bằng vật liệu dễ tìm ở địa phương”- TS Ando cho biết.

Khu vệ sinh đầy đủ tiện nghi hiện đại được KTS người Nhật thiết kế hài hòa với cảnh quan bản Thái. Ảnh: JICA.

Các hộ gia đình hạt nhân được lựa chọn làm homestay ban đầu khá e dè, nhưng sau đó tham gia một cách chủ động, có sức lan toả. Các hộ, các nhóm dần thành hình, liên kết chặt chẽ với nhau.

“Thời gian đầu, chúng tôi tập trung củng cố về nền tảng, nâng cao năng lực. Tương lai, sẽ tạo sự gắn kết và phát triển thêm các hoạt động du lịch mới”- Ando cho biết. Chỉ tay vào tấm bản đồ Con Cuông, Ando phân tích: “Con Cuông rộng hơn 1.700km, có nhiều tiềm năng du lịch: Thác Khe Kèm tuyệt đẹp, Khe nước Mọc mạch đùn ngược từ lòng đất lên, sông Giăng với độ dài hơn 10km với nhiều thác ghềnh… Bản Nưa được chọn làm trung tâm, gắn kết với các điểm du lịch đó. Khách du lịch trú homestay tại đây, trong ngày có thể tới các điểm tham quan rất hứng thú”. Con Cuông còn khách sạn 4 sao Mường Thanh Con Cuông, giúp phong phú thêm lựa chọn cho du khách.

Du lịch, khách muốn có quà lưu niệm. Bản Pha, nơi có dòng cam ngon nổi tiếng Nghệ An, vị ngọt mát, được lựa chọn để hướng dẫn người dân chế biến thêm các sản phẩm từ cam: tinh dầu đốt, tinh dầu treo xe, xà phòng cam, rượu hương cam, mứt vỏ cam… Du khách có thể tham quan, chụp ảnh và ăn trái trong vườn cam. Cam thu hoạch từ tháng 10 năm nay tới tháng 1,2 năm sau. Như vậy cả bốn mùa, Con Cuông đều có thể đón khách du lịch.

Tinh dầu cam, xà phòng cam, mứt cam... từ bản Pha lân cận, giúp tăng lựa chọn về sản vật lưu niệm cho du khách. Ảnh: JICA.

Hơn 1 năm trôi qua, bức tranh về du lịch cộng đồng lấy Bản Nưa làm hạt nhân đã thành hình, kết nối với các điểm du lịch khác. Các công ty lữ hành đã bắt đầu khai thác tuyến du lịch này, đưa khách nghỉ từ Cửa Lò lên đây. Năm 2016, chỉ riêng nhóm homestay đã đón 900 lượt khách, cả khách trong nước và nước ngoài. Năm nay, đến giữa tháng 9, đã có hơn 1.200 lượt khách. “Chúng tôi làm theo phương thức: Khách đến nhà nào thì nhà đó lo ăn nghỉ, nếu đoàn đông thì chia sẻ sang các homestay khác. Ăn thì nhóm Ẩm thực thực hiện thu- chi, múa hát thì nhóm Dân ca đảm trách. Chị em bảo nhau, cùng làm, cùng hưởng”- chị Hoa, chủ Homestay Hoa Thụ nói.

Ngày càng nhiều khách nước ngoài tới đây. Huyện đã cử cô giáo vào dạy tiếng Anh miễn phí cho chúng tôi. Thú thật, chị em chúng tôi lớn tuổi rồi, không học chữ được, nhưng có thể học nói. Giờ, cả nhóm ẩm thực đã có thể chào khách khi đến nhà, mời ăn, giới thiệu tên một vài món ăn”- chị Hoa vui vẻ cho biết.

Buộc chỉ cổ tay và cầu phước lành cho du khách. Ảnh: Thùy Hương.

Trong bản bắt đầu có thêm các hộ muốn làm homestay. “Chúng tôi không sợ cạnh tranh, vì nếu càng nhiều nhà trong bản cùng làm du lịch, thì làng bản đẹp hơn, làm du lịch tốt hơn. Khách đến nhiều hơn, dân bản vừa có thu nhập, vừa vui, và càng nhiều người biết đến, mến yêu cảnh đẹp của bản Nưa, của núi rừng Con Cuông chúng tôi nữa”- chị Hoa chia sẻ.

Thùy Hương

baotintuc.vn