Trong thời gian từ ngày 14 - 20/12/2009, tại thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang), diễn ra Lễ hội kỷ niệm 330 năm đô thị Mỹ Tho (1679 - 2009).
Mở đầu Lễ hội là chương trình sân khấu hóa hoành tráng được tổ chức tại đại lộ Hùng Vương với sự tham gia của dàn diễn viên hơn 500 người, đã giúp người xem hình dung được một Mỹ Tho từ những ngày đầu hình thành cho tới nay. Chương trình được tái hiện bắt đầu từ nhóm lưu dân người Việt vào đây lập nghiệp, rồi nhóm "bài Thanh, phục Minh" do Tổng binh Long Môn Dương Ngạn Địch cầm đầu chạy sang tị nạn, được Chúa Nguyễn cho định cư tại Mỹ Tho vào năm 1679 và lập nên "Mỹ Tho đại phố" sầm uất vào thời đó.
Trong khuôn khổ Lễ hội, còn có một số hoạt động khác như: lễ hội hoa kiểng; lễ hội ẩm thực; trình diễn thời trang Mỹ Tho xưa và nay; hội thi hát sử ca; biểu diễn nghệ thuật giao lưu của các tỉnh, thành phố kết nghĩa với Mỹ Tho; đua xe đạp; thi đấu bóng chuyền, bóng rổ giữa các tỉnh, thành phố; triển lãm thành tựu kinh tế - văn hóa - xã hội, bắn pháo hoa tầm thấp...
Thành phố Mỹ Tho với diện tích tự nhiên 49,98 km², nằm ở bờ bắc hạ lưu sông Tiền; phía đông và bắc giáp huyện Chợ Gạo, phía tây giáp huyện Châu Thành, phía nam giáp sông Tiền và tỉnh Bến Tre. Hiện Mỹ Tho là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Tiền Giang.
Đây là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử, văn hóa, xã hội đặc biệt ở Việt Nam. Tháng 1/1785, tại đây đã diễn ra trận thủy chiến giữa liên quân Xiêm-Nguyễn và nghĩa quân Tây Sơn ở khúc sông Rạch Gầm - Xoài Mút, kết quả là nghĩa quân Tây Sơn đại thắng. Năm 1872, Anh hùng dân tộc Nguyễn Hữu Huân đã cùng Âu Dương Lân và một số người khác lãnh đạo nghĩa quân chống Pháp. Tháng 3/1879, trường trung học đầu tiên ở miền Nam - trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (tên ban đầu là Collège de Mytho) đã được thành lập. Năm 1917, rạp hát cải lương đầu tiên ở Nam bộ (rạp Thầy Năm Tú) đã ra đời và chính nơi này đã sản sinh những nghệ sĩ tài danh như: Năm Châu, Phùng Há, Tám Danh, Sáu Nhiêu...