Về cội nguồn để khám phá văn hóa vùng Tây Bắc
Cập nhật: 05/01/2010
Không chỉ là một sản phẩm du lịch thông thường, chương trình "Du lịch về cội nguồn”, được tổ chức vào đầu năm mới 2010, còn thể hiện được những nét đặc trưng mang đậm bản sắc văn hóa của 3 tỉnh Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ.

Theo bà Bùi Thị Kim Dung - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai, trưởng nhóm hợp tác du lịch 3 tỉnh năm 2010, cho biết, chương trình năm nay sẽ phong phú và đa dạng, xứng đáng với tiềm năng của vùng văn hóa Tây Bắc.

"Về cội nguồn" đã sẵn sàng

Theo bà Bùi Thị Kim Dung, năm 2010, chương trình du lịch về cội nguồn của 3 tỉnh sẽ là một trong 10 sự kiện du lịch lớn của các tỉnh Tây Bắc hướng về Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Vì vậy, chương trình sẽ được đổi mới cả về nội dung và hình thức tổ chức, có nhiều sáng tạo trong các sự kiện chính, tạo ra điểm nhấn để thu hút sự nhập cuộc thực sự của các doanh nghiệp du lịch.

"Những sự kiện trên sẽ được 3 tỉnh tổ chức tốt với mục tiêu đa dạng hóa các loại hình du lịch, gắn với du lịch văn hóa, du lịch sinh thái thành những sản phẩm du lịch đặc trưng", bà Dung nhấn mạnh.

Lễ khai mạc chương trình du lịch về cội nguồn năm 2010 sẽ được tổ chức vào ngày 27/2 (14 tháng Giêng năm Canh Dần) tại Quảng trường khu đô thị mới Lào Cai - Cam Đường cùng với các hoạt động chính như: lễ hội Đền Thượng (thành phố Lào Cai), lễ hội trên mây Sa Pa, hội đua ngựa truyền thống Bắc Hà mở rộng, giải leo núi chinh phục Fansipan và ngày hội du lịch thành phố Lào Cai...

Tỉnh Yên Bái cũng tổ chức nhiều hoạt động như: lễ hội đền Đông Cuông, lễ hội đền Đại Cại - Lục Yên, lễ kỷ niệm 110 năm thành lập tỉnh Yên Bái, Tuần văn hóa du lịch Mường Lò...

Tỉnh Phú Thọ sẽ tổ chức hàng loạt lễ hội cổ truyền trong chuỗi chương trình “Về miền lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam năm Canh Dần”, Giỗ tổ Hùng Vương và lễ hội Đền Hùng…

      Cắm cờ trên đỉnh Phan Si Păng (Lào Cai)
Một trong những điểm nhấn của chương trình du lịch về nguồn năm 2010 là chương trình du lịch quốc tế leo núi cắm cờ “Thăng Long - Hà Nội 1.000 năm tuổi”. Đây là một trong các sự kiện nằm trong chương trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội năm 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Sự kiện này sẽ thu hút các đoàn đại diện cho du lịch các nước ASEAN, Trung Quốc và một số đối tác du lịch trong khu vực, đại diện ngoại giao đoàn, các tổ chức quốc tế tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Trần Hữu Sơn - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai cho biết: chương trình du lịch quốc tế leo núi cắm cờ “Thăng Long - Hà Nội 1.000 năm tuổi” trên đỉnh Phan Si Păng rất đặc biệt với các nghi lễ của đồng bào các dân tộc, từ lễ đón chào khách theo kiểu người Mông, người Dao, đến việc sử dụng các bài hát dân tộc khi cắm cờ, rước cờ và lên đỉnh Phan Si Păng đã được bàn bạc chi tiết.

                Lễ hội đền Hùng (Phú Thọ)
Hợp tác cùng phát triển

Trải qua chặng đường 5 năm hợp tác phát triển du lịch, chương trình du lịch “Về cội nguồn” của 3 tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ đã thu được hiệu quả nhất định trong phát triển kinh tế, xã hội và giao lưu văn hóa.

Nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng đã được tạo ra thu hút du khách đến tham quan, thưởng lãm, góp phần thúc đẩy nền kinh tế-xã hội phát triển, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống của nhân dân, kết nối xây dựng được nhiều tour, tuyến du lịch trên địa bàn 3 tỉnh như: “Cội nguồn đất Tổ”, “Đất ngọc Lục Yên”, “Cội nguồn Tây Bắc”, “Sắc màu vùng cao”.

Ba tỉnh tập trung tu bổ hệ thống di tích lịch sử; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các cơ sở lưu trú, khách sạn, tăng cường các dịch vụ bổ trợ; phát triển các sản phẩm, hàng lưu niệm phục vụ nhu cầu của du khách.

Mô hình hợp tác của ba tỉnh đã giành được sự quan tâm của nhiều địa phương khác trong việc xây dựng chiến lược phát triển du lịch bền vững và mang tính vùng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực du lịch và các doanh nghiệp lữ hành, các hoạt động trong chương trình du lịch “Về cội nguồn” vẫn chưa thu hút được sự vào cuộc của các doanh nghiệp du lịch; nhiều sản phẩm du lịch thiếu tính đặc trưng vùng miền…

                Ruộng bậc thang ở Sa Pa (Lào Cai)
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai Trần Hữu Sơn khẳng định: chương trình du lịch “Về cội nguồn” sắp tới sẽ cụ thể hóa hơn nữa việc khai thác các tiềm năng du lịch của 3 tỉnh để phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch đồng thời mở rộng hợp tác khu vực Tây Bắc Việt Nam và vùng Tây Nam Trung Quốc. Các tỉnh sẽ tập trung vào du lịch tâm linh, du lịch chợ quê - chợ vùng cao và du lịch ruộng bậc thang, lấy đó làm điểm nhấn cho chương trình du lịch “Về cội nguồn”.
Báo Tin Tức/Vietnam+