Mở rộng khu bảo tồn rừng ngập mặn dựa vào cộng đồng là hướng đi đúng đang được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên-Huế tiếp tục triển khai thực hiện tại khu vực Rú Chá - Cồn Tè (xã Hương Phong, thị xã Hương Trà) và nhân rộng ra nhiều vùng khác trong tỉnh.
Cồn Tè là khu đất ngập nước nằm ở cuối sông Hương và đối diện với cửa biển Thuận An, có tổng diện tích hơn 30ha. Năm 2010, các loại cây ngập mặn gồm bần, sú, mắm và đước được đưa vào trồng ở Cồn Tè thông qua dự án "Thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý tài nguyên nước cấp cộng đồng ở tỉnh Thừa Thiên-Huế" do Tổng cục Hợp tác và phát triển Hà Lan (CSRD) tài trợ.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên-Huế, 100% người dân trong vùng mong muốn diện tích cây ngập mặn được mở rộng hơn. Nhà nước hỗ trợ một phần, người dân đứng ra lập kế hoạch mở rộng diện tích rừng ngập mặn để ứng phó với biến đổi khí hậu đang là một việc làm tích cực ở Hương Phong.
Tương tự, cách Cồn Tè khoảng 1 km về hướng Đông Bắc là khu rừng ngập mặn Rú Chá có diện tích khoảng 3,5 ha, tồn tại cách đây hơn 100 năm. Theo người dân địa phương, mỗi lần có lụt, bão thì những khu vực bên trong Rú Chá bị tác động rất ít so với những khu vực khác, bởi thế mà đây còn là nơi lánh nạn của người dân trong những đợt lụt bão lớn.
Khu vực Rú Chá có hệ sinh thái rất đa dạng và phong phú với nhiều loài tôm, cá, chim..., đặc trưng của vùng đầm phá Tam Giang, tạo nguồn sinh kế lớn cho người dân.
Định hướng của thị xã Hương Trà là quy hoạch và phát triển diện tích rừng ngập mặn ở đây lên hơn 300ha; trong đó riêng địa bàn xã Hương Phong là 70ha. Theo quy hoạch ở đây, việc trồng rừng ngập mặn sẽ đồng thời với việc phát triển các ngành dịch vụ, trong đó có du lịch sinh thái.