Hòa Bình đưa nghề dệt thổ cẩm thành “đòn bẩy” phát triển du lịch
Cập nhật: 29/10/2012
Mẫu mã đa dạng, chất liệu truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền cùng nhu cầu tiêu dùng ngày càng lớn khắp trong và ngoài nước đã đưa nghề dệt thổ cẩm Hòa Bình thành “đòn bẩy” phát triển du lịch.

Ông Mạc Văn Phang - Chủ nhiệm HTX, cho biết: Sản phẩm thổ cẩm được khách hàng nước ngoài rất ưa chuộng. Mẫu mã có thể thay đổi nhưng sản phẩm phải luôn được làm từ sợi bông tự nhiên, nhuộm màu tự nhiên. Do quy trình sản xuất thổ cẩm hoàn toàn thủ công nên giá cao hơn so với các sản phẩm cùng mẫu mã sản xuất công nghiệp.

Với phương châm vừa sản xuất phát triển kinh tế, vừa truyền nghề, hơn 50% thành viên HTX là người Thái được hướng dẫn và thực hành các kỹ thuật khó như gảy hoa văn, kéo sợi lên khung. Đặc biệt, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (Jica) cũng chọn Chiềng Châu là một trong những điểm để đầu tư phát triển nghề dệt thổ cẩm kết hợp giữa bản sắc dân tộc và phát triển theo hướng công nghiệp hóa.

Không chỉ gắn kết sản phẩm truyền thống với các điểm du lịch, Chiềng Châu còn đưa sản phẩm vào quảng bá tiêu thụ trên 70 nhà hàng, khách sạn trong và ngoài tỉnh để làm quà lưu niệm, trang trí, làm khăn trải giường, túi đựng chìa khóa…

Khi đưa thổ cẩm trở thành sản phẩm hàng hoá, người dân đã có những sáng tạo, cải tiến để sản phẩm phù hợp với nhu cầu, thị hiếu người dùng nhưng đảm bảo vẫn không mất đi những nét truyền thống. Nếu như trước đây, chất liệu thổ cẩm chủ yếu được sử dụng để làm đệm, chăn, gối nay còn được sử dụng làm túi xách, búp bê, hộp đựng đồ trang điểm, ví tiền, vỏ bọc hộ chiếu, giày, dép. Các sản phẩm này được thị trường, đặc biệt là khách hàng người nước ngoài ưa chuộng. Mẫu mã có thể thay đổi nhưng sản phẩm phải luôn được làm từ sợi bông tự nhiên, nhuộm màu tự nhiên và dệt thủ công. Hiện nay, HTX Thổ cẩm Chiềng Châu đã tiến hành sản xuất sản phẩm thổ cẩm từ khâu se sợi, nhuộm màu, dệt vải cho đến cắt may hoàn thiện sản phẩm. Vừa sản xuất phát triển kinh tế, vừa truyền nghề là phương châm hoạt động của HTX hiện nay. Hiện, HTX có đến hơn 50% là các em gái trẻ người Thái. Tham gia HTX, các em được hướng dẫn và thực hành các kỹ thuật khó như gảy hoa văn, kéo sợi lên khung.

Hiện nay, nhờ sự hỗ trợ của tổ chức JICA nên HTX Thổ cẩm Chiềng Châu vẫn duy trì được đầu ra tương đối ổn định. Nhưng sắp tới, khi dự án khôi phục làng nghề này kết thúc thì thổ cẩm Mai Châu sẽ phải tự bơi để cạnh tranh giữa biển lớn. Do đó, ngay từ bây giờ, tại bản Lác (thị trấn Mai Châu), HTX đã đầu tư một gian hàng trưng bày bán sản phẩm. Với nỗ lực mở rộng thị trường, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm thổ cẩm, HTX đã tích cực, thường xuyên tham gia các hội chợ thương mại, triển lãm xúc tiến đầu tư tại thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội, thành phố Lào Cai. Tại các hội chợ, gian hàng trưng bày của HTX luôn là điểm nhấn thú vị, thu hút đông đảo khách hàng.

Chị Vì Thị Oanh, Phó Chủ nhiệm HTX cho biết: Tham gia trưng bày tại thành phố Hồ Chí Minh, đã có những đơn hàng với số lượng lớn nhưng chúng tôi không dám nhận vì đây là sản phẩm thủ công đòi hỏi kỹ thuật và tay nghề cao của người thợ nên không thể làm bừa, làm ẩu được.

Trong xu thế phát triển hiện nay, HTX Thổ cẩm Chiềng Châu cũng như người Thái Mai Châu đã nỗ lực kiên định với mục tiêu giữ nghề truyền thống gắn với phát triển kinh tế. Phát triển làng nghề truyền thống vừa góp phần bảo tồn giá trị văn hóa của dân tộc vừa nâng cao đời sống của cư dân nông thôn. Tuy nhiên, để làng nghề thổ cẩm Mai Châu đứng vững trong thời kỳ hội nhập, làng nghề cần được hỗ trợ để duy trì và mở rộng sản xuất, tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với làng nghề của các tỉnh bạn. Đặc biệt lưu ý giữ gìn, phát huy những đặc điểm, bản sắc riêng của sản phẩm để đảm bảo sự phát triển bền vững cho làng nghề kết hợp phát triển du lịch.

CINET