Du lịch Cô Tô đang chuyển mình
Cập nhật: 08/05/2013
(TITC) - Cô Tô là một quần đảo gồm 50 đảo lớn nhỏ, nằm ở phía đông của tỉnh Quảng Ninh, cách đất liền khoảng 60km và TP. Hạ Long khoảng 130km.

Cách đây 5 năm, khi nhắc đến huyện đảo Cô Tô, du khách chỉ có thể tưởng tượng đó là một vùng đảo xa xôi, cách trở với đất liền, thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần. Thế nhưng bây giờ, Cô Tô đã và đang vươn lên trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn ở Quảng Ninh. Có được điều này chính là nhờ công tác xúc tiến, quảng bá, sự quản lý du lịch một cách bài bản của Chính quyền huyện đảo cùng sự tích cực tham gia hoạt động du lịch của người dân địa phương.

Năm 2012 được đánh dấu là năm có nhiều đổi mới nhất của huyện đảo Cô Tô. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự chỉ đạo sát sao của tỉnh Quảng Ninh, Cô Tô đã giải quyết được 3 vấn đề khó khăn nhất, đó là điện lưới, nước ngọt và giao thông.

Ngay từ đầu năm 2012, huyện đảo Cô Tô đã nâng cấp hệ thống máy phát điện, tăng giờ phát điện từ 12 – 23h mỗi ngày. Đặc biệt hơn là dự kiến đến trước tháng 10/2013, dự án đưa điện lưới quốc gia ra Cô Tô sẽ hoàn thành. Bên cạnh đó, việc rút ngắn thời gian thi công hồ chứa nước Thanh Xuân cùng với việc nâng cấp, xây dựng mới các hồ chứa nước khác thì có thể khẳng định đến đầu năm 2013, Cô Tô đã qua cơn khát nước ngọt.

Cũng trong năm 2012, các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, trang bị thêm tàu cao tốc hoạt động tuyến Vân Đồn - Cô Tô; UBND huyện đảo cũng đã hạ thuỷ, chuẩn bị đưa vào khai thác tàu công tác kết hợp chở khách trị giá 33 tỷ đồng, dự kiến sẽ rút ngắn thời gian đi từ đất liền ra đảo chỉ còn khoảng 70 phút. Tất cả những hoạt động này nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng của nhân dân và khách du lịch. Nhờ những thay đổi có tính đột phá kể trên, lượng khách đến Cô Tô đã tăng kỷ lục với hơn 35.000 lượt khách, tăng gấp 10 lần so với năm 2010 và 4 lần so với năm 2011. Doanh thu từ du lịch đạt khoảng 40 tỷ đồng. Con số rất ấn tượng với 1 đảo nhỏ xa xôi có chưa đầy 6.000 người.

Đạt được thành quả này còn phải kể đến sự đóng góp rất lớn của người dân trên đảo. Bên cạnh nghề truyền thống đánh bắt, nuôi trồng hải sản, đa số hộ dân ở đây đã tập trung đầu tư vốn phục vụ du lịch như: đầu tư tàu thuyền, cơ sở hạ tầng du lịch, đặc biệt là đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, điển hình là xã Đồng Tiến.

Người dân ở xã Đồng Tiến bắt đầu tham gia du lịch cộng đồng từ năm 2012. Các hộ dân tự đầu tư xây dựng nhà cửa khang trang, phòng ngủ riêng biệt, mua sắm các trang thiết bị đạt tiêu chuẩn du lịch (ti vi, giường, chăn, ga, gối, đệm, tủ đựng đồ, nhà vệ sinh…). Bên cạnh đó, nhằm giúp hoạt động này đạt hiệu quả cao, huyện đã hỗ trợ kinh phí cho người dân địa phương xây dựng, sửa chữa nhà cửa, một phần phụ phí sinh hoạt, ăn uống khi có khách đến ở; đồng thời cử các cán bộ, nhân viên của huyện và một số doanh nghiệp lữ hành tới từng hộ gia đình tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phục vụ khách như: kỹ năng giao tiếp, nấu ăn, vệ sinh, thành lập đội văn nghệ… Đến đây, du khách sẽ được bố trí ở tại nhà dân, tham gia các sinh hoạt hàng ngày cùng với họ như: câu cá, câu mực, kéo lưới…, tham gia các hoạt động tập thể (đốt lửa trại, trồng cây), mua đồ lưu niệm do người dân địa phương làm ra từ vỏ ốc, vỏ sò…

Cùng với phát triển du lịch cộng đồng, Cô Tô còn tổ chức nhiều hoạt động hấp dẫn để thu hút khách như: triển lãm ảnh với chủ đề “khám phá đại dương”, tour một ngày làm ngư dân trên huyện đảo Cô Tô, “Hành trình biển đảo quê hương”…,  xây dựng cảnh quan môi trường du lịch xanh, sạch, đẹp nhằm đảm bảo phát triển hài hoà giữa các ngành du lịch - dịch vụ với các yếu tố môi trường. Cụ thể, năm 2012, huyện Cô Tô đã xây dựng đề án phát triển Cô Tô thành đảo hoa, được thực hiện từ năm 2013 đến năm 2015 nhằm kích cầu du lịch. Theo đó, huyện đã mua 6.000 giống hoa các loại và 10.000 gốc đào từ huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn) phát cho tất cả người dân trên đảo để cùng tham gia chiến dịch trồng cây trên đảo. Ngoài ra, Cô Tô cũng chuẩn bị nhiều gốc đào để dành cho du khách. Mỗi du khách khi đến đảo Cô Tô sẽ được trồng 1 cây đào/lượt. Mỗi cây đào do du khách trồng sẽ được gắn biển đề mã số, thời gian trồng. Hiện UBND huyện đảo đã đặt thiết kế một hệ thống theo dõi việc du khách trồng cây. Vì vậy, trên cơ sở mã số được cấp, các du khách có thể truy cập mạng internet để theo dõi vị trí, sự phát triển của cây mình trồng. Cách làm này cũng giúp UBND huyện đảo theo dõi vị khách nào là người quay trở lại Cô Tô nhiều nhất; đồng thời, giúp người dân trên đảo có trách nhiệm với công tác chăm sóc, bảo vệ cây xanh trên đảo.

Đến nay, hàng ngàn cây đào đã được trồng trên đảo Cô Tô, vì thế mà đảo có thêm tên mới là “Đảo hoa đào”. Cô Tô phấn đấu đến hết năm 2013, sẽ có khoảng 10.000 gốc đào do chính tay du khách trồng. Điều này hứa hẹn Cô Tô sẽ trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn trên hành trình du lịch biển đảo của du khách.

Thanh Hải