Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên khu vực Bắc miền Trung
Cập nhật: 09/07/2013
Vừa qua, tại thành phố Vinh, UBND tỉnh Nghệ An đã phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia “Di sản văn hóa và di sản thiên thiên khu vực Bắc miền Trung: Bảo tồn và phát huy giá trị”.

Tới dự hội thảo có Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; lãnh đạo tỉnh Nghệ An và 60 nhà khoa học trong cả nước.

Hai chủ đề được các nhà khoa học đưa ra tìm hiểu, bàn luận, nghiên cứu tại hội thảo gồm: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa.

Ở chủ đề thứ nhất, các nhà khoa học đề cao những giá trị đặc trưng về hệ sinh thái nhân văn ở Bắc miền Trung, đồng thời đề xuất các giải pháp bảo tồn các giá trị độc đáo có tính toàn cầu của khu hệ cá Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình); bảo tồn và phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên ở Vườn quốc gia Pù Mát (Nghệ An); giải pháp bảo tồn thích ứng sự chuyển đổi không gian nhà vườn truyền thống Huế.

Vẻ đẹp nguyên sơ ở Vườn quốc gia Pù Mát

Ở chủ đề bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, bên cạnh các di tích khảo cổ học, một kho tàng di sản lớn lao, có giá trị về nhiều mặt hiện đã và đang được các tỉnh Bắc miền Trung bảo tồn và phát huy giá trị như hệ thống di tích tín ngưỡng tôn giáo (đình, đền, chùa, lăng mộ, nhà thờ họ), các di tích kiến trúc nghệ thuật, thành quách, các di tích lịch sử, cách mạng, kháng chiến. Để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa trên, các nhà khoa học cũng đề xuất, giúp các địa phương xây dựng chiến lược phát triển du lịch di sản kết hợp với du lịch cảnh quan, văn hóa.

Là vùng đất có nhiều điểm tương đồng về văn hóa và lịch sử, điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội, vùng Bắc miền Trung gồm các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế có hệ thống di sản văn hóa và di sản thiên nhiên phong phú, đa dạng không dễ tìm thấy ở nơi khác với 3/7 di tích và danh lam thắng cảnh được UNESCO công nhận là Di sản thế giới như Quần thể di tích cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Thành nhà Hồ. Một số di sản được công nhận là Di sản cấp quốc gia đặc biệt như Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên, Khu lưu niệm Nguyễn Du, Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Lam Kinh… và nhiều di sản cấp quốc gia khác.

Hội thảo là dịp để các nhà khoa học, nhà quản lý gặp gỡ, trao đổi, đánh giá đúng thực trạng và khẳng định được tiềm năng, giá trị của hệ thống di sản thiên nhiên và di sản văn hóa ở các tỉnh Bắc miền Trung, từ đó đề xuất các giải pháp có cơ sở khoa học, giúp các địa phương hoạch định, xây dựng chiến lược bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Thông qua đó, tổ chức nhiều hoạt động phong phú, sáng tạo để liên kết, khơi dậy tiềm năng và thế mạnh của vùng Bắc miền Trung với cả nước và các quốc gia trên thế giới góp phần vào việc phát triển toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội ở nước ta hiện nay.

Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu đã đi tham quan Vườn quốc gia Pù Mát.

ĐCSVN