Trương Tử Nương (còn gọi là nàng Tía) sinh ra tại xóm Giàng Vĩnh Hưng khu Thang Mộc ấp (nay là thôn Vĩnh Ninh). Nàng Tía có dung mạo xinh đẹp, nhanh nhẹn, lại tinh thông võ nghệ. Lúc nàng 15 tuổi, Hai Bà Trưng trong một lần đi thị sát đã gặp nàng. Cảm mến tài trí của cô gái trẻ, Hai Bà Trưng đưa nàng về giúp việc trong triều.
Đầu năm 43, khi Mã Viện đem quân sang đánh nước ta, Hai Bà Trưng cùng tướng sĩ lên đường đánh giặc. Nàng Tía được Hai Bà Trưng cử làm Đô Đốc thủy quân và trực tiếp đánh thắng nhiều trận. Trong một trận giao tranh ác liệt với quân Mã Viện, nàng đã hy sinh anh dũng tại cửa bể Thần Phù thuộc tỉnh Ninh Bình. Để tưởng nhớ công ơn của nàng, Hai Bà Trưng đã sắc phong nàng là “Trinh Thục Đoan Trang Anh Túc Thần Nữ” và cho lập đền thờ ở quê nhà của nàng để nhân dân hương khói phụng thờ.
Lễ hội truyền thống đình Vĩnh Ninh, được tổ chức từ ngày 8 đến ngày 12/2 âm lịch hàng năm.
Ngày 08/2:
Buổi sáng, mở đầu lễ hội, các vị cao niên dâng hương ở đình. Tiếp theo, nhân dân trong làng dâng hương lễ Thánh.
Buổi chiều, lễ rước tả hữu nhập điện được tổ chức. Đám rước bên tả xuất phát từ nơi thờ Xà Công, Thổ Địa. Ở ngoài đình đám rước bên hữu xuất phát từ gò nơi Hai Bà Trưng ngự giá. Đi đầu hai đám rước là đội múa rồng, múa sư tử, cờ ngũ hành, long đao, rồi trống, chiêng, thanh la, đồng văn múa sênh tiền, phường bát âm, đội rước kiệu long đình. Tiếp theo đội kiệu long đình là các cụ trên tám mươi tuổi mặc quần áo đỏ và các cụ trên bảy mươi tuổi mặc áo xanh, đen.
Hai đám rước đi đến đâu, chiêng trống vang lừng đến đấy. Ở các ngõ nhỏ, dân làng bày bàn thờ vái vọng khi kiệu Thánh đi qua. Khi hai đám rước tả, hữu đã về đến sân đình, theo hiệu lệnh, kiệu Thánh được đưa về ngự trong đình. Đến xế chiều, đội tế nam làm lễ tế ngoại án.
Ngày 09/2:
Lễ hội được bắt đầu từ sáng với lễ rước oản lên chùa Vĩnh Ninh và lên đình Vĩnh Ninh của các cụ bô lão và nhân dân trong làng. Sau đó, lễ tế nội án được thực hiện bởi đội tế nam. Buổi chiều, nhân dân và du khách thập phương về dâng hương lễ Thánh.
Ngày 10 – 11/2:
Buổi sáng, đội tế nam tế nội án, sau đó đội dâng hương nữ hành lễ. Chiều, đội tế nam, tế nữ của các làng lân cận và du khách thập phương vào lễ Thánh.
Ngày 12/2:
Lễ rước tả, hữu hoàn cung được diễn ra từ sáng sớm đến gần trưa. Kết thúc lễ hội là màn tế giã hội do đội tế nam hành lễ.
Được tổ chức xen kẽ trong những ngày lễ hội là các hoạt động như: thi đấu vật tự do, gà chọi, cờ tướng, hát quan họ trên thuyền, cải lương, chèo, biểu diễn võ thuật…
Bài và ảnh Huy Hoàng