Email | Hòm thư góp ý | Liên hệ | Sơ đồ web
 
Lễ hội đình Tứ Liên (đình Ngọc Xuyên)

Thời gian: 16/3 và 12/10 âm lịch, (chính hội 16/3)

Địa điểm: Đình Ngọc Xuyên, phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội

Đối tượng suy tôn: Ba vị Thành Hoàng làng là Bảo Trung Thượng Đẳng Phúc Thần Đại Vương Vị Thần, Minh Khiết Thượng Đẳng Phúc Thần Đại Vương Vị Thần và Ý Hạnh Phu Nhân Tôn Công Chúa Thượng Đẳng Phúc Thần.

Đặc điểm: Lễ tế thần, dâng hương, rước kiệu, rước nước,  thi nấu cơm, ca hát, đấu võ, chọi gà

 

Đình Ngọc Xuyên (còn có tên là đình Ngoại Châu) thờ 3 vị Thành hoàng làng Tứ Liên, vốn là 3 anh em. Thần tích lưu giữ tại đình ghi rằng, hai người anh là Bảo Trung, Minh Khiết và cô em gái tên Phương được sinh ra trong một gia đình thuộc dòng họ Nguyễn ở Trang Đồng Lục – Phủ Khoái Châu – Đạo Sơn Nam (nay thuộc xã Tứ Dân, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên).

Khi quân Chiêm Thành kéo đến xâm lấn biên cương, hưởng ứng truyền hịch tìm người của nhà vua, hai người anh liền đến yết kiến vua xin đi đánh giặc và được vua phong là Tướng quân Trung phẩm. Hai ông đã chiêu mộ, huấn luyện được 3 vạn tinh binh, chia làm hai đạo quân thủy, bộ cùng tiến thẳng tới đồn giặc. Sau khi đánh tan quân Chiêm Thành ít lâu, các ông mất. Biết tin, nhà vua rất thương tiếc, sắc phong hai ông là “Thượng Đẳng Phúc Thần” rồi lệnh cho nhân dân lập miếu thờ phụng và hương khói đời đời.

Còn cô em gái là người trồng dâu nuôi tằm rất giỏi. Theo truyền thuyết, một hôm, cô đang trồng dâu ở bãi cát ven sông thì bỗng đâu rồng rắn nổi lên mặt nước rồi quấn lấy cô đưa về thủy quốc. Về sau,  dân làng thấy cô nhiều lần nổi lên ở giữa sông với một cái chén ngọc ở trước trán liền lập miếu phụng thờ, gọi là mả Bà Chén. Trong các trận đánh quân xâm lược, bà đã nhiều lần hiển linh giúp vua đánh thắng trận. Cảm kích trước anh linh của bà, vua truyền mang sắc chỉ đến, phong cho bà là Ý Hạnh Phu Nhân Tôn Công Chúa Thượng Đẳng Phúc Thần và cho tôn tạo lại miếu để tạ ơn công đức của bà.

Lễ hội đình Tứ Liên truyền thống được nhân dân địa phương tổ chức vào các ngày 16/3 (Kỵ đức Thánh Bà) và 12/10 (Kỵ hai đức Thánh Ông) âm lịch hàng năm. Cứ 5 năm tổ chức lễ hội lớn vào ngày kỵ của đức Thánh Bà.

Trong ngày kỵ của đức Thánh Bà, lễ hội được tổ chức long trọng với nghi lễ rước kiệu, tế lễ, dâng hương... Riêng lễ hội lớn được tổ chức 5 năm một lần, vào ngày này còn có thêm lễ rước nước. Lễ rước nước được bắt đầu từ sáng sớm, xuất phát từ đình ra bãi sông Hồng để rước nước về lễ Thánh. Đi đầu là kiệu Long Đình, tiếp theo sau là kiệu rước nước và 3 kiệu Thánh, rồi đến đoàn nhạc, sư tử, cờ, lọng tang, đội lễ… Kiệu rước nước sau đó được rước lên thuyền để làm lễ. Trên thuyền, các sư làm lễ cúng trời, đất, thần linh phù hộ cho mùa màng tươi tốt, đời sống nhân dân yên ấm. Trưởng ban tổ chức sẽ là người đứng ra xin nước từ sông về để dâng Thánh. Theo truyền thống, nước được rước từ  sông Hồng về đình sẽ được dùng để lễ Thánh trong 5 năm. Còn trong ngày kỵ của hai đức Thánh Ông, dân làng tổ chức tế lễ, dâng hương cùng một số hoạt động khác với quy mô nhỏ hơn.

Trong thời gian diễn ra lễ hội còn có nhiều hoạt động được tổ chức như: thi thổi cơm, cờ tướng,  kéo co, thi chọi gà, tổ tôm điếm, biểu diễn văn hóa, văn nghệ

(Nguồn: TTTTDL, Bài và ảnh: Huy Hoàng)


TÌM KIẾM
Điểm đến
Vùng
Tỉnh, thành phố
Loại hình
 
TRA CỨU LỄ HỘI
Ngày âm Tháng âm
 
ĐỔI LỊCH ÂM DƯƠNG
NGÀY THÁNG NĂM