Đầm Ao Châu nằm trên địa bàn thị trấn Hạ Hòa và các xã Y Sơn, Ấm Hạ và Phụ Khánh thuộc huyện Hạ Hoà. Du khách có thể đi bằng đường bộ, đường sắt hoặc đường thuỷ tới Ao Châu đều thuận lợi. Theo đường sắt, Ao Châu nằm trên tuyến đường Hà Nội - Lào Cai và tương lai không xa sẽ là trục đường sắt xuyên Á, nối liền các nước trong khu vực với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Theo đường bộ, thắng cảnh này nằm trên trục quốc lộ số 2 - tuyến đường quan trọng nhất nối thủ đô Hà Nội với các tỉnh phía Tây Bắc. Theo đường thủy, có nhiều con sông lớn chảy qua như sông Hồng, sông Đà, sông Lô...
Ao Châu có diện tích mặt nước khoảng 2km² và có tới khoảng 100 hòn đảo lớn nhỏ được bao phủ một thảm thực vật đa loài dầy đặc và phong phú, đỉnh cao nhất cao tới 177m so với mặt biển, cùng với 99 ngách nước đan cài vào các khe núi. Đáng chú ý là mực nước trong hồ luôn có độ sâu khoảng 3m, có nơi sâu tới 35m và quanh năm không bị cạn. Nhờ vậy, mặt nước Ao Châu trong xanh, không bị ô nhiễm và có nhiều thủy tộc sinh sống: giải, rùa vàng, ba ba... Đặc biệt, nhân dân địa phương còn trồng nhiều loại cây ăn quả như: mít, bưởi, nhãn, vải... khiến cho Ao Châu càng trở nên hấp dẫn.
Ao Châu có điều kiện rất thuận lợi để phát triển thành khu du lịch sinh thái với các loại hình du lịch như: nghỉ dưỡng, bơi thuyền, câu cá, leo núi..., đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước, nhất là khách du lịch Trung Quốc. Cùng với khu du lịch này, các tài nguyên du lịch thuộc các địa phương khác như: các lễ hội truyền thống, các di tích lịch sử văn hóa, hệ thống hang động của vườn quốc gia Xuân Sơn, Ao Giời - Suối Tiên, khu nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Thanh Thủy, sinh hoạt văn hóa của đồng bào các dân tộc thuộc huyện Thanh Sơn, Yên Lập... sẽ tạo nên một tam giác du lịch mang những sắc thái khác nhau với các loại hình du lịch đặc sắc, phong phú, đa dạng.
Khu du lịch Ao Châu đang trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn, thúc đẩy sự phát triển của cả một vùng về các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội. Ngoài ra, sự hình thành và phát triển của khu du lịch này còn thúc đẩy sự phát triển các làng nghề truyền thống, các ngành sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, nhất là xuất khẩu tại chỗ nhiều loại hàng hoá, hàng lưu niệm cũng như các dịch vụ khác.