Email | Hòm thư góp ý | Liên hệ | Sơ đồ web
 
Đền Nghè

Vị trí: thuộc phường An Biên, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng, cách Nhà hát Thành phố Hải Phòng khoảng 600m.
Đặc điểm: là điểm du lịch văn hóa tâm linh tiêu biểu của thành phố
Hải Phòng, nổi bật với nghệ thuật chạm khắc trên gỗ, đá.

Đền Nghè thờ nữ tướng Lê Chân – vị tướng tài ba trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng thế kỷ 1 (40 - 43) – người đã đến vùng đất ngã ba sông Tam Bạc – sông Cấm lập ấp Vẻn, sau đổi là An Biên Trang, tiền thân của Tp. Hải Phòng ngày nay. Tương truyền, khi nữ tướng Lê Chân gieo mình xuống sông tự vẫn thì hoá đá trôi trên mặt sông. Từ đoạn sông vùng Đông Triều (Quảng Ninh) - quê cũ của Bà - đến bến Đá (nay là bến Bính) thì bập bồng xoay tròn trên mặt nước. Nhân dân làng An Biên biết Bà đã hiển thánh, liền khiêng đá thiêng về thờ, đến khu vực đền Nghè hiện nay thì trời bỗng nổi cơn giông gió làm đá rơi. Dân làng bèn chọn khu đá rơi ấy để dựng đền thờ Bà và hàng năm tổ chức lễ hội tưởng nhớ ngày sinh (8/2 âm lịch) và ngày hóa (25/12 âm lịch) của Bà.

Lúc đầu, đền thờ chỉ là một gian miếu nhỏ, mái lợp tranh. Từ năm 1919 đến 1926, đền được xây dựng khang trang hơn, bổ sung thêm một số hạng mục kiến trúc. Trải qua quá trình tu bổ, tôn tạo, hiện nay, đền Nghè là một quần thể di tích mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn thế kỷ 20, bao gồm: tam quan, tòa hậu cung, bái đường, thiêu hương, giải vũ, nhà bia - nơi đặt tượng voi đá, ngựa đá, sập đá, bia đá; phía sau làm thêm tòa tứ phủ.

Hậu cung của đền gồm 3 gian được thiết kế theo kiểu 2 tầng mái, bên trong thờ tượng nữ tướng Lê Chân ngồi trên ngai, đặt trong một khám lớn sơn son, thếp vàng với dáng vẻ uy nghi, đôn hậu, xinh đẹp; hai bên thờ song thân Bà. Tòa bái đường 5 gian được nâng đỡ bởi 16 cột gỗ lim, kê trên 16 viên đá tảng đục đẽo công phu, tỉ mỉ; chính giữa đắp nổi hàng chữ Hán lớn “An Biên cổ miếu”. Giữa hậu cung và bái đường là nhà thiêu hương 2 tầng với mái tâm đầu đao.

Đến thăm đền Nghè, ngoài việc tham quan quần thể kiến trúc độc đáo của đền, du khách còn được chiêm ngưỡng nhiều tác phẩm điêu khắc đá có giá trị, điển hình là khánh đá và sập đá. Khánh được làm từ một tấm đá nguyên khối dày 5cm, cao 1m, rộng 1,6m. Mặt trước khánh khắc nổi 2 con rồng chầu mặt nguyệt và mây bay xung quanh; mặt sau khắc hình mây bay và sóng nước. Khi gõ, tiếng khánh đá ngân vang, trong trẻo, hướng ta tới cõi tâm linh huyền ảo, linh thiêng. Sập đá đồ sộ, tạo bằng khối đá liền, chạm nổi hình chim, thú, hoa, lá rất công phu thể hiện kỹ thuật chạm khắc vô cùng tinh xảo của các nghệ nhân xưa. Ngoài ra, ở đền còn lưu giữ tấm bia đá có kích thước lớn được tạc vào thời Nguyễn, ghi tiểu sử của nữ tướng Lê Chân. 

Cách đền Nghè khoảng hơn 100m về phía tây bắc là tượng đài nữ tướng Lê Chân được đúc bằng đồng, cao 7,5m, nặng 19 tấn, đặt tại vườn hoa trung tâm thành phố. Tượng được khởi công xây dựng vào tháng 11/1999 và khánh thành vào ngày 31/12/2000.

Năm 1975, đền Nghè đã được Nhà nước xếp hạng di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia.


Bài: Phạm Phương; ảnh: Anh Dũng

TÌM KIẾM
Điểm đến
Vùng
Tỉnh, thành phố
Loại hình
 
TRA CỨU LỄ HỘI
Ngày âm Tháng âm
 
ĐỔI LỊCH ÂM DƯƠNG
NGÀY THÁNG NĂM