Vịnh Mốc là nơi đầu tiên bị đế quốc Mỹ ném bom tàn phá trong cuộc chiến tranh bằng không quân đánh phá miền Bắc Việt Nam.
Địa đạo Vịnh Mốc là một trong những điểm hấp dẫn của tuyến du lịch nổi tiếng DMZ (khu vực phi quân sự), thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là những cựu chiến binh Mỹ.
Họ đến để chiêm ngưỡng kỳ tích độc đáo này, một chứng tích tiêu biểu về sự hy sinh chịu đựng và gan góc chiến đấu vì độc lập, tự do của người dân Vịnh Mốc nói riêng và người dân Việt Nam nói chung. Hàng ngàn dòng cảm tưởng của khách nước ngoài tỏ ra vô cùng thán phục tài trí, ý chí của người Việt Nam.
Địa đạo Vịnh Mốc được đào xong trong vòng 2 năm, với khoảng 6.000m3 đất đá. Hệ thống đường hầm có tổng chiều dài gần 2km, chia thành 3 tầng: tầng một sâu dưới mặt đất khoảng 13m; tầng 2 khoảng 15m và tầng 3 sâu trên 23m; gồm 13 cửa ra vào đồng thời cũng là những cửa thông hơi (bẩy cửa thông ra biển và sáu cửa đi lên đồi). Địa đạo được thiết kế như một làng dưới mặt đất với 94 căn hộ gia đình, có giếng nước ngọt đáp ứng sinh hoạt của người dân địa đạo, có hội trường đủ sức chứa khoảng 60 người, bảng tin, nhà hộ sinh, nhà vệ sinh, phòng phẫu thuật, bếp Hoàng Cầm (loại bếp nấu được dưới lòng đất mà hạn chế khói bốc lên), kho gạo, trạm đặt máy điện thoại, đài quan sát, trạm gác, hầm tránh bom khoan.
Ấn tượng mạnh khi đặt chân lên vùng di tích Vịnh Mốc là dòng chữ lớn nằm trang trọng trong phòng trưng bày: "Tồn tại hay không tồn tại", rút ra từ tác phẩm nổi tiếng Hămlét của nhà văn người Anh Xêchxpia. Câu này lại càng có ý nghĩa hơn và gây xúc động cho du khách khi đặt bênh cạnh những tấm ảnh: một tấm chụp cảnh làng quê trù phú san sát nóc nhà vào tháng 2/1965; còn tấm ảnh kế bên cũng làng quê ấy, nhưng đã bị bom đạn kẻ thù hoàn toàn huỷ diệt trên mặt đất; tấm ảnh 11 cháu bé ra đời trong bóng tối của chiến tranh đang quây quần trong ánh sáng của ngày chiến thắng; tấm ảnh bốn o du kích xinh tươi trong chiếc áo sơ mi trắng lạc quan hát dưới hầm địa đạo và rồi cũng chính họ trong bộ cánh màu xanh người lính lại xuất hiện trên mặt đất điều khiển các khẩu pháo bắn trả kẻ thù.
Chính sự tàn khốc của chiến tranh ở nơi đây đã làm cho con người ta muốn tồn tại chỉ có hai cách: hoặc là bỏ nơi đây mà đi, hai là chui xuống đất và người dân Vịnh Mốc đã chọn cách thứ hai. "Tồn tại hay không tồn tại" được người dân Vịnh Mốc trả lời bằng việc 17 công dân được sinh ra ngay dưới lòng địa đạo trong hai năm 1967-1968.
Đến địa đạo Vịnh Mốc hôm nay, nhìn những vườn cao su và hồ tiêu xanh mướt trên mảnh đất bazan màu mỡ, nhìn cảnh sắc biển trời mây non nước hiền hoà ấy, ít ai tưởng tượng được rằng hơn ba thập kỷ trước, ở nơi đây đã từng là một pháo đài thép của miền Bắc XHCN trong suốt bảy năm liền (1966 - 1972) chống lại cuộc chiến tranh phá hoại khốc liệt của đế quốc Mỹ. Vịnh Mốc không chỉ là địa đầu miền Bắc mà còn là địa điểm thuận lợi cho việc tập kết lương thực, vũ khí tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ, hòn đảo có vị trí quan trọng cho việc án ngữ vùng biển Vĩnh Linh (cách Vịnh Mốc 28km). Chính vì vậy, Mỹ đã trút hàng vạn tấn bom đạn xuống vùng đất này. Kẻ xâm lược tuyên bố :"Phải biến đất này trở về thời kỳ đồ đá!". Một cuộc chiến tranh huỷ diệt được tiến hành vì mục tiêu "Phải kéo được biên giới Hoa Kỳ đến tận Vĩ tuyến 17 - ranh giới giữa hai bên bờ cầu Hiền Lương". Người ta ước tính rằng, trong một ngày, một người dân ở đây phải hứng chịu số bom đạn tương đương 500 quả đạn pháo hạng nặng.
Năm 1976, Bộ Văn hoá - Thông tin đã công nhận làng địa đạo Vịnh Mốc là di tích quốc gia và đưa vào danh mục các di tích đặc biệt quan trọng. Để đảm bảo an toàn cho du khách, Chính quyền địa phương đã cho tôn tạo, tu bổ, gia cố bằng bê tông các đoạn hầm bị sụt lở; mắc điện ở các lối đi trong địa đạo.