Trong một đợt đi điền dã, các cán bộ Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi đã đào thám sát một số điểm tại thung lũng Nà Niêu, huyện Trà Bồng và phát hiện nhiều hiện vật giá trị. Đây là những tư liệu quý về giai đoạn "hậu kỳ đồ đá mới" ở khu vực Nam Trung Bộ.
Từ lâu, tại thung lũng Nà Niêu (cách thị xã Quảng Ngãi khoảng 100km về phía tây bắc), có tin đồn rằng một số đồng bào dân tộc Cơ Ho đã nhặt được "búa trời" cùng nhiều loại đá quý khác. Nhiều người dân đã mài các "búa trời" này để sắc nước uống mỗi khi đau ốm. Cũng theo dân địa phương, phía thượng nguồn sông Tang - một trong ba con sông trong vùng - có một hang động lớn, các vách đá bên trong cửa hang có khắc nhiều hình thù kỳ dị...
Nhận được thông tin trên, các cán bộ nghiên cứu đã tiến hành các cuộc điền dã đào nhiều hố thám sát dọc sông Nước Niêu. Qua cuộc điền dã đoàn phát hiện tại nhà ông Hồ Văn Quyền (thôn Nà Niêu), đang giữ hai chiếc rìu đá. Một chiếc thuộc dạng rìu vai, được chế tác từ chất liệu đá lửa có màu nâu đỏ. Chiếc còn lại là loại rìu vai xuôi, lưỡi sắc, bị mẻ nhiều chỗ. Một số cổ vật khác như khuyên tai bằng đá, cuốc vai xuôi, cũng được tìm thấy tại nhà các ông Hồ Văn Ôn, Hồ Văn Thanh (cùng thôn Nà Niêu).
Sau lần khảo sát đầu, đoàn đã quyết định đào thêm một số hố thám sát. Hiện vật tìm thấy lần này khá phong phú như: gốm, rìu vai, phác vật rìu, bàn mài, cuội lăn gốm... Tuy nhiên, rìu đá phát hiện lần này được làm bằng ngọc thạch, có kích cỡ lớn. Đặc biệt, khi đào đến hố thám sát thứ 3, đoàn đã tìm thấy kiềng đồng và các phác vật công cụ bằng đá cuội xám. Tại hố thám sát thứ 5 là rìu nằm lẫn với gốm. Nhìn chung các hiện vật đá đều xuất hiện ở độ sâu từ 40cm đến 65cm. Theo đánh giá của ông Đoàn Ngọc Khôi, cán bộ bảo tàng, di chỉ khảo cổ này có mối liên hệ mật thiết với văn hóa Biển Hồ vùng Tây Nguyên, cũng như với di chỉ tiền Sa Huỳnh ở Long Thạnh.
Di chỉ hậu kỳ đá mới ở Nà Niêu có niên đại cách đây khoảng 4.000 - 4.500 năm. Phát hiện này sẽ giúp cho các nhà khảo cổ có thêm một địa chỉ để nghiên cứu giai đoạn tiền Sa Huỳnh ở Nam Trung Bộ và Quảng Ngãi.