(TITC) - Từ Hà Nội, theo Quốc lộ 1 hoặc cao tốc Pháp Vân khoảng 60km đến thành phố Phủ Lý rồi rẽ phải qua cầu Hồng Phú vào Quốc lộ 21 khoảng 10km, du khách sẽ thấy cầu treo Cấm Sơn. Đi qua cầu Cấm Sơn rồi vòng lên một đoạn đường đê là đến chùa Bà Đanh với bến nước nằm thoai thoải bên bờ sông Đáy hiền hòa. Hai bên đường dẫn vào chùa là những hàng cây cổ thụ rợp bóng.
Ban đầu, chùa Bà Đanh (tên chữ là Bảo Sơn Tự) được dựng bằng tre, nứa đơn sơ để thờ Bà Chúa đã có công phù trợ cho vùng đất này được mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, trù phú. Vì vậy, chùa có tên gọi là Đức Bà làng Đanh, gọi tắt thành chùa Bà Đanh. Do chùa Bà Đanh nằm ở vị trí xa dân cư, núi sông cách trở, giao thông đi lại khó khăn nên lượng khách hành hương thưa thớt. Vì vậy, dân gian hay truyền tụng câu «Vắng như chùa Bà Đanh». Đến đời Vua Lê Hy Tông (1675-1705), chùa được xây dựng lại to đẹp, khang trang hơn. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chùa Bà Đanh là địa điểm tập kết lực lượng, lương thực trọng yếu để phục vụ cho cuộc kháng chiến của quân dân trong vùng.
Các công trình của chùa hiện nay đều được xây dựng từ thế kỉ 19, bao gồm các hạng mục chính như: Tiền đường, Trung đường, Thượng điện, phủ thờ Mẫu, nhà Tổ… Trong đó, Tiền đường có 3 gian hai chái, hai đầu hồi bít đốc, mái lợp ngói nam, nóc mái có tượng lưỡng long chầu nguyệt. Hệ thống vì kèo ở Tiền đường được chạm trổ tinh xảo các họa tiết mang đề tài tứ linh, ngũ phúc, tứ quý, bát quả, mai điểu, tùng mã, bát bảo… Trung đường 3 gian 2 chái có hệ thống cửa bức màn, chấn song con tiện chắc chắn. Hệ thống vì kèo ở Trung đường là biến thể của dạng vì kèo giả chiên chồng rường con nhị, với tất cả các trụ, con rường đều được chế tác đơn giản, vuông thành sắc cạnh.
Nhà Thượng điện là nơi thờ Tam thế Phật, Ngọc Hoàng, Thái Thượng Lão Quân. Phủ Mẫu thờ Tứ pháp (Pháp Vân - thần mây, Pháp Vũ - thần mưa, Pháp Lôi - thần sấm và Pháp Điện - thần chớp) và Bà Chúa Đanh. Trong đó, tượng bà Chúa Đanh được tạc ở tư thế toạ thiền trên chiếc ngai đen bóng với khuôn mặt hiền từ.
Khuôn viên chùa trồng nhiều loại cây như cau, hoàng lan, sứ, bưởi, đào tiên… cùng nhiều chậu cảnh được bố trí hài hòa, tạo không gian thanh tịnh và yên tĩnh.
Cách chùa Bà Đanh 100m về phía bắc là núi Ngọc. Trên núi có cây si cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Đứng từ đỉnh núi có thể quan sát, chiêm ngưỡng một vùng non nước sơn thủy hữu tình.
Chùa Bà Đanh- Núi Ngọc được công nhận là Di tích văn hóa - lịch sử cấp quốc gia năm 1994.
Phương Mai