Tên thác Gougah là do người dân bản địa đặt, còn cái tên Ổ Gà là của người Kinh. Sở dĩ ngọn thác đẹp nhưng lại mang một cái tên quá mộc mạc và giản dị như vậy là vì nếu đứng từ xa người ta nhận thấy dòng thác được phân đôi thành hai nhánh theo chiều dọc. Một bên là dòng thác đậm màu đất đỏ chảy im lìm tựa hồ như lòng đỏ trứng gà. Còn một bên thì bọt nước trắng xóa bao phủ tựa như lòng trắng của một quả trứng. Có người cho rằng Ổ Gà là biến âm của chữ Gougah.
Từ xa du khách đã có thể nghe thấy tiếng thác Gougah đang gầm réo suốt ngày đêm làm vang động cả núi rừng. Từ trên cao, một cột nước trắng như tuyết khổng lồ đổ xuống ì ầm hòa lẫn với tiếng chim chóc, tiếng gió rít qua từng cành cây kẽ lá tạo thêm vẻ đẹp cho một bức tranh vốn đã sống động. Ngày nay, thác Gougah vẫn còn giữ được nét hoang dã Tây Nguyên. Đứng ở đây du khách có dịp sống lại thời xa xưa nhiều huyền thoại. Núi đồi hoang vắng gợi cho ta nhớ đến những plei, làng Chăm một thuở. Xa xa về quốc lộ 20 (Sài Gòn - Đà Lạt), ngọn núi Chai yên lặng, cô đơn giữa cánh đồng xóm Chung, Phú Hội. Rải rác đây đó vài bon, plei của người K'ho, Churu. Nhà thơ Xuân Diệu lên Đà Lạt, ghé thăm Gougah đã viết mấy câu thơ sau:
"Đổ ào ào, đổ Gu Ga
Sông Đa Nhim tới đây òa thành bông
Thành tơ trắng xóa một vùng
Bạc vàng tuôn xuống vô cùng thời gian..."