Lễ hội Katê của người Chăm diễn ra trong 3 ngày trên một không gian rộng lớn, lần lượt từ đền tháp (Bi môn, Ka lan) đến làng (Paley) và từng gia đình (Nga wôm), tạo thành một dòng chảy phong phú, đa dạng.
Đây là một lễ hội dân gian đặc sắc nhất trong kho tàng văn hoá của cộng đồng người Chăm. Lễ hội không chỉ gắn với đền tháp cổ kính - nơi lưu giữ những giá trị kỹ thuật và mỹ thuật cao nhất của nền văn hoá Chăm mà còn gắn tới lĩnh vực khác của văn hoá: đồ cúng tế, y phục, nhạc cụ; những bài thánh ca, ca ngợi các vị vua hiền có công với nước với dân. Lễ hội còn là dịp để những người tham dự được thưởng thức một nền nghệ thuật ca - múa - nhạc dân gian với phong cách độc đáo. Những người tham dự lễ hội được hoà cùng điệu múa của các cô thiếu nữ Chăm, say sưa cùng tiếng trống Gi năng, kèn Saranai. Lễ hội Katê là minh chứng về sự phong phú, đa dạng trong kho tàng văn hoá của đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Lễ hội Katê của người Chăm ở Ninh Thuận diễn ra ở 3 đền tháp trong cùng ngày, cùng giờ. Các nghi lễ cơ bản giống nhau về nội dung, nghi thức hành lễ. Tiến hành lễ hội gồm có:
- Thầy cả sư trụ trì đền tháp làm chủ lễ,
- Thầy kéo đàn Kanhi hát thánh ca,
- Bà bóng dâng lễ vật lên các vị thần,
- Ông từ chủ trì lễ tắm tượng,
Cùng một số tu sĩ Bà la môn phụ lễ.
Lễ vật dâng cúng Katê tại đền tháp bao gồm:
- 1 con dê,
- 3 con gà làm lễ tẩy uế ở tháp,
- 5 mâm cơm, canh cúng với thịt dê,
- 1 mâm cơm với muối vừng,
- 3 ổ bánh gạo và hoa quả.
Ngoài ra còn có rượu, trứng, trầu cau, xôi chè...
Lễ hội Katê gồm có 2 phần: Phần lễ và phần hội. Trình tự theo các bước:
Ngày thứ nhất: đón rước y phục của nữ thần Pô Nagar ở thôn Hữu Đức
Ngày thứ hai: lễ hội Katê ở các tháp Chăm
* Phần lễ
- Lễ đón rước y phục (thường từ 7 giờ sáng)
- Lễ mở cửa tháp (diễn ra tại 3 đền, tháp
- Lễ tắm tượng thần (diễn ra trong 3 đền, tháp)
- Lễ mặc y phục cho tượng thần (tại 3 đền, tháp)
- Đại lễ (thường bắt đầu từ 9h sáng kéo dài đến 11h trưa tại 3 đền, tháp)
* Phần hội
Ngày thứ ba:- Lễ hội Katê ở làng. Sau khi lễ hội Katê ở tháp kết thúc thì không khí lễ hội lại bùng lên ở các làng Chăm. Trước ngày lễ dân làng phân công nhau quét dọn đền thờ, ngôi nhà chung của làng, chuẩn bị sân khấu, sân bãi... Cùng thời gian đó một bộ phận khác lại chuẩn bị lễ vật cúng thần.
Buổi sáng ngày thứ ba, một người làm lễ cúng Katê ở ngôi nhà chung của làng để cầu mong thần phù hộ cho dân làng làm ăn phát đạt. Mỗi làng Chăm thờ một vị thần riêng. Trong lễ cúng tế thần làng, chủ tế lễ không phải là chức sắc tôn giáo mà thường được dân làng tôn vinh hoặc người có uy tín và tinh thông phong tục tập quán. Ông thay mặt cho dân làng cúng lễ vật cho thần và cầu mong thần phù hộ cho dân làng. Nếu như lễ hội Katê nặng về phần lễ ở các đền tháp thì tại làng phần lễ đơn giản hơn phần hội. Đó là các trò như thi dệt vải (làng Mỹ Nghiệp), thi đội nước, đá bóng, văn nghệ...Vào cuối buổi chiều thì cuộc vui kết thúc, hội Katê ở làng cũng vãn. Mọi người về nhà để tiến hành lễ Katê gia đình.
Kết thúc lễ Katê ở làng là lễ Katê ở các gia đình mới bắt đầu. Nghi lễ này phụ thuộc điều kiện kinh tế của từng gia đình, nếu có thì tổ chức nếu không thì thôi.- Lễ Katê ở gia đình
Chủ lễ cúng Katê là người trong gia đình hoặc là người lớn tuổi trong tộc họ. Vào ngày lễ, mọi thành viên trong gia đình đều có mặt đông đủ, cầu mong tổ tiên, thần linh phù hộ cho con cháu làm ăn phát đạt, gặp nhiều may mắn. Đây cũng là dịp ông bà, cha mẹ, giáo dục con cháu kính trọng tổ tiên. Cũng dịp này các gia đình đều chuẩn bị bánh trái mời người thân tới thăm viếng chúc tụng nhau. Cả làng đều ngập tràn niềm vui, thân thiện, tình đoàn kết xóm giềng. Hầu như tất cả đều quên đi những vất vả, lo âu của đời thường để tận hưởng những phút giây tràn đầy hạnh phúc.