Hội rằm tháng giêng Hàng năm lễ hội đền Và mở vào ngày rằm tháng giêng. Cứ 3 năm thì tổ chức lễ hội lớn một lần vào các năm Tý - Mão - Ngọ - Dậu. Năm lễ hội lớn ở đền Và có lệ tục rước nước do dân làng Di Bình thuộc xã Vĩnh Thịnh, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc đảm nhiệm.
Cũng vào năm tổ chức lễ hội lớn, các làng có liên quan tín ngưỡng ở đền cùng nhau tổ chức một cuộc rước lớn. Tất cả có 8 làng tham gia, gồm: Vân Gia, Thanh Trì, Nghĩa Phủ, Mai Trai, Đạm Trai thuộc xã Trung Hưng; làng Phù Sa, Phú Nhi (Bần Nhi) thuộc xã Viên Sơn và làng Di Bình (tỉnh Vĩnh Phúc).
Lễ hội diễn ra trong một không gian rộng, được tổ chức chặt chẽ. Lễ hội bắt đầu mở từ ngày 13 tháng giêng. Dân thôn Vân Gia lên đền dọn dẹp, trang trí cờ hội. Buổi chiều dân các thôn rước cỗ kiệu của làng mình về đặt ở sân trước nhà tiền tế tại đền Và. Các cỗ kiệu xuống thuyền qua sông.
Cư dân vạn chài ở trên sông tấp nập kéo tới, ghép thuyền lại thành một cầu phao lớn cùng đưa đoàn rước sang sông và họ nhập vào đoàn rước trở thành những người đi hội. Quan niệm của dân vào ngày này vạn chài nào trên sông làm nhiều điều phúc thì Thánh Tản sẽ cho nhiều lộc lớn trong năm.
Sang ngày 15 tháng giêng, ngày chính hội là những cuộc vui chơi, tiếp đón khách thập phương đến đền Và dâng hương, hoa trái và viếng Đức Thánh Tản. Ngày 15 ở sân trước nhà tiền tế có đấu vật. Các đô vật xứ Đoài đến vật chầu bóng Thánh, sau đó diễn trò vui vật giật giải, một thú vui đua sức, đua tài vốn rất được dân xứ Đoài hâm mộ.
Lễ hội thu (rằm tháng 9 âm lịch) Lễ hội mở vào ngày 14 tháng 9 (âm lịch), dân làng các thôn Vân Gia, Nghĩa Phủ, Thanh Trì, Mai Trai, Đạm Trai ùa ra đoạn sông Tích từ Thượng Cầu Vang (giáp xã Đường Lâm) đến Hạ Mả Mang (giáp thôn Ái Mỗ) cùng đánh bắt cá tập thể trên đoạn sông này. Mọi người mang những công cụ đánh bắt cá như nơm, vó, xúc... Ai bắt được loại cá trắng, to thì nộp cho làng, cá nhỏ mang về nhà. Cuộc đánh bắt cá đến khi nào chọn ra đủ 99 con thì mang số cá đó về làm tiệc cá, thờ Đức Thánh Tản ở đền Và. Lễ hội này dân gian gọi là lễ hội “đả ngư”.
Trò đánh bắt cá tập thể của 5 làng trên đoạn sông Tích có ý nghĩa lấy vui, lấy may. Ai được con cá to tâm niệm năm ấy Đức Thánh Tản phù trợ cho làm ăn gặp nhiều may mắn.
Trong số 99 con cá ấy, được rửa sạch chế biến thành nhiều món dâng lên đức Thánh Tản. Tất cả dân chúng thành kính trước uy linh của Ngài. Cuối buổi, mọi người ngồi thụ lộc các món đặc sản từ cá trong không khí sảng khoái. Có một chi tiết của lệ tục xưa ở đền Và qui định cơm ăn, cỗ cúng ở đây không được dùng muối, mà phải ăn nhạt. Khi ăn cơm xong, quan viên uống nước ăn trầu (lá trầu, cau, vỏ) nhưng không được dùng vôi. Vì thế, dân gian có câu: "Hội đền Và trầu không vôi, xôi không muối". Ngoài món cá, theo tư liệu cổ còn lưu giữ tại đền, quy định cúng Thánh Tản thêm 2 mỏ vịt, 4 mỏ gà và 15 đấu gạo xôi (khoảng 20 kg).
Những năm không có lễ hội lớn dân chúng và khách hành hương các nơi vẫn nườm nượp kéo về viếng Đức Thánh Tản rất đông. Đức Thánh Tản trở thành một vị phúc thần thiêng liêng, luôn phù trợ để trừ tai họa, mang điều tốt lành đến cho muôn dân.
Lễ hội đền Và còn trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách bốn phương, hướng về một vùng đất cổ. Ngày này khách nô nức đến hội, trai thanh gái tú dập dìu, bầy trẻ nhỏ cắm trại để vui xuân dưới tán lá rừng lim già. Đây cũng là dịp khám phá những tòa đài kiến trúc kết tinh tài hoa trí tuệ của cha ông; cùng hòa vào không khí ngày hội tưng bừng náo nhiệt hướng tới cõi đẹp tâm linh.
Đến với đền Và ai cũng cảm thấy như được trở về với cội nguồn tiên tổ, cội nguồn của văn hóa dân tộc mang đậm bản sắc xứ Đoài; tiếp cận với những tập tục cổ, trong mối quan hệ cộng đồng thấu tình đẹp nghĩa, khơi dậy lòng tự hào, thêm yêu mến quê hương xứ sở và trân trọng giá trị văn hóa của người xưa để sống tốt đẹp hơn.