Từ Tp. Vinh, theo quốc lộ 1A khoảng 30km về phía bắc sẽ tới Đền Cuông.
Tương truyền, sau khi được Thần Kim Quy giúp xây thành và làm nỏ thần, Thục An Dương Vương hoàn toàn mất cảnh giác và đã mắc mưu của Triệu Đà. Năm 208, sau khi chiếm được nỏ thần, Triệu Đà đã cho quân tấn công bất ngờ nước Âu Lạc, Thục An Dương Vương thất thế phải rút lui về phương nam, khi đến biển Cửa Hiền (ở phía bắc chân núi Mộ Dạ) đã được Thần Kim Quy đón về với Thủy Thần.
Để tưởng nhớ Thục An Dương Vương, sau khi ông mất, nhân dân vùng này đã lập miếu thờ ông ở Cửa Hiền. Dù đã có miếu thờ, nhưng mỗi khi màn đêm buông xuống, trên sườn núi Mộ Dạ xuất hiện đốm lửa lập loè, người dân ở đây nghĩ rằng đó chính là linh hồn của Thục An Dương Vương nên họ đã lập đền thờ ông tại đây và gọi là Đền Cuông.
Ngôi đền được gọi là Đền Cuông nhưng ngụ ý nói Đền Công, vì Công theo tiếng Nghệ An nghĩa là Cuông. Tương truyền, khu vực núi Mộ Dạ xưa có nhiều chim công sinh sống, thế Núi Mộ Dạ trông xa giống hình một con chim công (hoặc con hạc) khổng lồ đang múa, đầu chim chính là nơi Đền Cuông tọa lạc.
Cho đến nay, vẫn chưa có tài liệu lịch sử nào xác định chính xác thời điểm khởi dựng Đền Cuông. Tuy nhiên, dưới thời nhà Nguyễn, Đền đã được trùng tu nhiều lần, đặc biệt vào năm Giáp Tý (1864), vua Tự Đức ban sắc chỉ xây dựng lại Đền với quy mô như ngày nay.
Đền Cuông là một công trình kiến trúc đẹp, vững chắc, phù hợp với điều kiện thiên nhiên ở miền Trung, xung quanh có trồng nhiều cây xanh đan xen. Đền có kiến trúc theo kiểu chữ Tam, bao gồm tam quan, ba tòa Thượng, Trung và Hạ điện.
Tam quan đồ sộ, có 3 cửa vào: cửa giữa có ba tầng, hai cửa bên có hai tầng, các cửa này đều được thiết kế theo kiểu vòm cuốn.
Tòa Thượng điện – nơi đặt ban thờ Thục An Dương Vương và tòa Hạ điện đều có kiến trúc kiểu chồng diêm 4 mái, đầu đao cong vút. Riêng tòa Trung điện – nơi đặt ban thờ Cao Lỗ, tướng giúp vua Thục chế tác nỏ thần, được kiến trúc theo kiểu chồng diêm 8 mái. Các công trình đều đồ sộ, cột to, tường dày vững chắc nhưng không thô vì các chi tiết, hoa văn được đắp, chạm tinh tế, toát lên vẻ đẹp nhẹ nhàng, thanh thoát.
Đền Cuông còn có nhiều di vật quý: trống, chiêng, tượng thờ, đồ tế khí... Nơi đây còn lưu giữ nhiều tư liệu bằng chữ Hán trên các bức hoành phi, cột, trụ biểu nhắc nhở con cháu, muôn dân luôn nhớ ân đức vua Thục An Dương Vương.
Lễ hội đền Cuông diễn ra từ ngày 14 - 16/2 âm lịch hàng năm là dịp để người dân trong vùng cũng như du khách thập phương đến Đền chiêm bái và tưởng nhớ công ơn Thục An Dương Vương. Với các hoạt động như: tế thần, rước kiệu thần, hát ví, hát phường vải, hát tuồng, chèo, đốt pháo bông, thả đèn hoa…. chắc chắn sẽ đem lại nhiều điều thú vị cho du khách.