Từ Tp. Vinh, theo quốc lộ 46 (hướng Tp. Vinh – trị trấn Đô Lương) khoảng 54km sẽ tới thị trấn Đô Lương, ngược lên phía bắc theo đường 15 khoảng 3km, rẽ trái khoảng 2km sẽ tới Đền Quả Sơn.
Theo thần phả tại Đền Quả Sơn, Đền thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, con trai thứ 8 của Vua Lý Thái Tổ.
Dưới thời Vua Lý Thái Tông (1028 - 1054), Nghệ An là vùng đất biên viễn trọng yếu phía nam của nước Đại Việt. Nhận thức sâu sắc vị thế và tầm quan trọng đặc biệt của miền đất có tác động đến sự hưng thịnh suy vong của đất nước, vào năm 1039, nhà Vua đã cử Uy Minh Hầu Lý Nhật Quang vào Nghệ An trông coi việc tô thuế.
Năm 1041, Lý Nhật Quang chính thức được bổ nhiệm làm Tri Châu Nghệ An - người đứng đầu bộ máy hành chính ở Nghệ An thời đó.
Năm 1044, vua Lý Thái Tông thân chinh đi đánh quân Chiêm Thành. Trong cuộc chinh chiến này, Uy Minh Hầu Lý Nhật Quang được giao nhiệm vụ tiếp tế và vận chuyển quân lương từ nguồn cung cấp của Nghệ An. Sau khi đánh thắng Chiêm Thành trở về, Lý Thái Tông đã phong cho Lý Nhật Quang từ tước Hầu lên tước Vương và ban cho ông Tiết Việt - được định đoạt mọi chuyện chính sự tại Nghệ An. Đồng thời ban chiếu chỉ cho Đông Chinh Vương Lý Lực và Dực Thánh Vương (2 danh tướng cùng cha, khác mẹ với Lý Nhật Quang) ở lại phò tá cho ông.
Trong suốt những năm giữ chức Tri Châu Nghệ An, với tài kinh bang tế thế, tầm nhìn chiến lược và những chủ trương đúng đắn, Lý Nhật Quang đã đề ra những chính sách tiến bộ để phát triển sản xuất, mở rộng giao thương, bảo vệ trật tự trị an, giữ yên bờ cõi, đặc biệt làm cho Nghệ An trở thành vùng đất hậu thuẫn vững chắc cho các triều đại về sau.
Với công lao to lớn của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, trên phương diện tâm linh, sau khi ông mất (1057), người dân Nghệ An đã lập nhiều ngôi đền thờ phụng ông, trong đó Đền Quả Sơn là Đền chính.
Trên phương diện nghiên cứu lịch sử, các nhà sử học đã đánh giá cao về ông và xếp ông vào danh sách những vị danh nhân của nước ta. Trong tác phẩm “Việt Điện U Linh" của Lý Tế Xuyên đã có những ngôn từ trịnh trọng nói về Lý Nhật Quang “một đại phúc thần cải châu, trung trực, liêm khiết" và đặc biệt về xếp thứ tự, theo quan niệm của Lý Tế Xuyên, những vị thần nào mà công đức lớn hơn sẽ được xếp lên trên, chỉ sau các vị vua và các đại thần chứ không xếp theo thời gian, do vậy Uy Minh Vương Lý Nhật Quang được xếp lên đầu tiên.
Đền Quả Sơn – một công trình kiến trúc cổ, đồ sộ bao gồm nhiều hạng mục, điển hình như: tòa nhà hình chữ công gồm Thượng điện, Trung điện và Hạ điện nối liên tiếp với nhau – thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, Tả vu thờ Đông Chinh Vương Lý Lực, Hữu vu thờ Dực Thánh Vương, phần mộ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, nhà bia, nhà ngựa và ông ngựa…
Tại đây còn lưu giữ nhiều cổ vật quý liên quan đến nhà Lý: di tượng cổ độc bản về Uy Minh Vương Lý Nhật Quang làm bằng gỗ quý, sơn son thiếp vàng, mặc áo bào bằng lụa vàng, long ngai, tế khí, ngói mũi hài với kích thước 20 x 30cm, gạch bằng đất nung, hoạ tiết, hoa văn trang trí bằng vật liệu nhẹ và cứng, lư hương đồng, mũ đồng, loa cổ bằng gỗ và bằng đồng, tượng đồng Chăm Pa, khay đựng trầu bằng đồng, cột gỗ, tảng đá làm chân cột…
Vào thời Lê, Lễ hội Đền Quả Sơn đã được đánh giá là một lễ hội uy nghi, hoành tráng nhất tỉnh Nghệ An. Trải qua thời gian, Lễ hội đã bị gián đoạn. Từ năm 1998 đến nay, được sự giúp đỡ của Đảng bộ, Chính quyền Nghệ An, nhân dân huyện Đô Lương long trọng tổ chức Lễ hội Đền Quả Sơn từ ngày 19 - 21/1 âm lịch. Đây là hoạt động nhằm phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, tôn vinh công lao to lớn của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hoá dân gian truyền thống, đồng thời, là dịp để nhân dân cả nước vui chơi, giải trí, mở rộng giao lưu và thoả mãn nhu cầu tâm linh.
Đền Quả Sơn được Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia năm 1998.