Với tổng diện tích khoảng 100ha, khu phố cổ Hà Nội được hình thành từ thế kỷ 11 và có bề dày gần một nghìn năm lịch sử của một khu đô thị buôn bán sầm uất, tập trung dân cư hoạt động tiểu thủ công nghiệp và buôn bán giao thương, hình thành nên những phố nghề đặc trưng mang những nét truyền thống riêng biệt của cư dân thành thị, kinh đô. Thợ thủ công từ các làng nghề quanh kinh thành Thăng Long xưa tụ tập về đây, tập trung theo từng khu vực chuyên làm nghề của mình khiến các phố nghề ngày càng phát triển. Phố nào cũng ồn ào, náo nhiệt cảnh mua bán, lao động như một làng nghề thu nhỏ. Và sản phẩm được buôn bán đã trở thành tên phố, với chữ "Hàng" đằng trước như Hàng Gạo, Hàng Đường, Hàng Muối... Chính vì vậy người Việt quen gọi Hà Nội là Hà Nội 36 phố phường với ý nghĩa phường là nơi tập trung những người làm cùng một nghề thủ công, bán cùng mặt hàng theo kiểu “buôn có bạn, bán có phường”.
Một đặc trưng nữa của khu phố cổ Hà Nội là kiến trúc nhà cổ với nhà dạng ống, mái ngói nghiêng, mặt tiền là cửa hàng buôn bán. Những ngôi nhà này chủ yếu được xây dựng vào thế kỉ 18-19. Người Hà Nội đã bố cục khéo léo hệ thống các phòng, gác lửng, sân trong đáp ứng nhu cầu đa dạng của cuộc sống. Nhờ thế mà tuy không lớn nhưng mỗi ngôi nhà cổ Hà Nội vẫn có diện tích dành làm nơi bán hàng, làm hàng, nơi thờ cúng, tiếp khách, nơi ngủ, hóng mát…
Đến với khu phố cổ Hà Nội, du khách dù khó tính đến đâu cũng vẫn bị hấp dẫn bởi những giá trị văn hoá chứa đựng trong khoảng 100 công trình kiến trúc lâu đời gồm đình, đền, chùa, hội quán. Điển hình trong các di tích lịch sử và văn hoá này là ngôi đền Bạch Mã ở phố Hàng Buồm, được coi là một trong tứ trấn của kinh thành Thăng Long.
Nhiều người nước ngoài lần đầu tiên tới phố cổ Hà Nội sẽ cảm thấy hơi lo lắng khi đi giữa những dãy phố mang những cái tên na ná, nằm ngang dọc với các cửa hàng bán những sản phẩm cùng chủng loại, những hàng ăn hai bên đường tấp nập kẻ vào người ra, hay hòa vào dòng người và xe cộ đi lại như mắc cửi. Nhưng rồi cảm giác đó dần dần qua đi, thay vào đó là sự yêu mến da diết khi họ nhận ra cuộc sống của con người Hà Nội đầy náo nhiệt, đầy sức sống, không ngừng chuyển động nhưng cũng rất nên thơ. Họ như bị cuốn vào một xứ sở bất tận của các món ăn, từ món ăn truyền thống như bún chả, phở, bún cá…trong các quán nhỏ trên vỉa hè đến các gánh hàng rong bán trứng vịt lộn, bánh rán, bún ốc, bún đậu mắm tôm…
Cứ vào dịp cuối tuần, khi màn đêm buông xuống, tuyến phố đi bộ Hàng Đào - Đồng Xuân kết nối với chợ đêm Đồng Xuân đã tạo thành một không gian đi bộ phố cổ về đêm dài gần 3km. Đây thực sự đã trở thành một điểm du lịch hấp dẫn, khai thác được nét văn hóa phố cổ đồng thời tạo điều kiện cho du khách khám phá Hà Nội về đêm. Hòa vào dòng người đi bộ trong không gian phố cổ và mua sắm hàng lưu niệm, hàng tiêu dùng tại những sạp hàng dựng trong tuyến phố mới cảm nhận được sức hấp dẫn của chợ đêm và phố cổ về đêm.
Ngay cạnh những dãy hàng náo nhiệt người ta vẫn cảm nhận được một đêm phố cổ trầm mặc qua những căn nhà nhỏ lô xô nằm nép mình vào nhau gợi lên cảm giác xa xưa, hoài cổ. Đặc biệt vào tối thứ 7 hàng tuần, các hoạt động văn nghệ dân gian như hát chèo, hát xẩm, ca trù, quan họ… do Hội Nhạc sỹ Việt Nam tái hiện càng làm tăng thêm nét cổ kính và riêng có của phố cổ Hà Nội.
Khu phố cổ Hà Nội với những ngôi nhà ống nhỏ nhắn xinh xắn, những con đường tấp nập người đi, những đền chùa mái cong mềm mại, cả những không gian, âm thanh hay hương vị độc đáo của các món ăn... tất cả đã làm nên một vẻ đẹp mà chỉ Hà Nội mới có.