Email | Hòm thư góp ý | Liên hệ | Sơ đồ web
 
Hội Gióng ở đền Sóc

Thời gian: 6 - 8/1 âm lịch, chính hội 7/1 (ngày thánh hóa)
Địa điểm: Xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội.
Đối tượng suy tôn: Thánh Gióng.
Đặc điểm: Cướp hoa tre và chém tướng giặc Ân. 

 

Thánh Gióng là một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam, gắn liền với truyền thuyết cậu bé làng Phù Đổng đánh thắng giặc Ân, đem lại thái bình cho đất nước vào thời Hùng Vương thứ 6. Sau khi đánh thắng giặc, Phù Linh là nơi dừng chân cuối cùng của Thánh Gióng trước khi bay về trời. Để tưởng nhớ công lao của Đức Thánh, tại đây, nhân dân đã xây dựng Khu di tích đền Sóc bao gồm 6 công trình: đền Hạ (hay còn gọi đền Trình), chùa Đại Bi, đền Mẫu, đền Thượng (hay còn gọi đền Sóc), tượng đài Thánh Gióng và nhà bia. Trong đó, đền Thượng là nơi thờ Thánh Gióng và tổ chức lễ hội với đầy đủ các nghi lễ truyền thống như: lễ Mộc Dục; lễ rước; lễ dâng hương; lễ hóa voi và ngựa… 

Để chuẩn bị cho ngày hội chính, vào đêm mùng 5, lễ Mộc Dục (tắm tượng) được tiến hành để mời Đức Thánh về dự hội. Đến ngày mùng 6 khai hội, nhân dân 8 thôn làng thuộc 6 xã nằm quanh Khu di tích đền Sóc là Tân Minh, Tiên Dược, Phù Linh, Đức Hòa, Xuân Giang và Bắc Phú dâng các lễ vật đã được chuẩn bị chu đáo lên Đức Thánh, cầu mong ngài phù hộ cho dân làng có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Trong đó, nghi lễ dâng hoa tre lên đền Thượng của thôn Vệ Linh (xã Phù Linh) được tổ chức đầu tiên. Hoa tre được làm bằng những thanh tre dài khoảng 50cm, đường kính khoảng 1cm, đầu tre tuốt bông và nhuộm màu tượng trưng cho roi ngựa của Thánh Gióng. Hoa tre sau khi dâng lên đền Thượng sẽ được rước xuống đền Hạ rồi phát cho người dự hội để cầu may. 

Sang ngày mùng 7 chính hội (ngày thánh hoá theo truyền thuyết), hoạt cảnh chém tướng giặc diễn tả lại cảnh Thánh Gióng chém 3 tướng giặc Ân cuối cùng ở chân núi Vệ Linh trước khi bay về trời được tổ chức. Đến chiều ngày mùng 8, lễ hóa mô hình voi và ngựa giấy với kích thước lớn được tiến hành để kết thúc lễ hội bởi voi chiến và ngựa sắt là hai linh vật gắn liền với quá trình Thánh Gióng chống giặc Ân, bảo vệ non sông bờ cõi. Tất cả du khách tham gia lễ hội đều mong được chung tay khiêng voi và ngựa ra bờ sông để hóa bởi theo tín ngưỡng, bất cứ ai được chạm tay vào đồ tế Đức Thánh đều sẽ gặp may mắn trong cuộc sống.

Trong thời gian diễn ra hội Gióng còn có nhiều trò chơi dân gian được tổ chức như: chọi gà, cờ tướng, hát ca trù, hát chèo…

Ngoài đền Sóc, hội Gióng còn được tổ chức ở các địa điểm khác thuộc vùng đồng bằng Bắc bộ như: đình làng Xuân Tảo (xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm) vào ngày 6/1 âm lịch; đình làng Bộ Đầu (xã Bộ Đầu, huyện Thường Tín) vào ngày 8/1 âm lịch; đình làng Sen Hồ (xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm) vào ngày 5/4 âm lịch; và đền Phù Đổng (đền Gióng) (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm) từ ngày 6 – 12/4 âm lịch.

Ngày 16/11/2010, tại thành phố Nairobi (thủ đô của Kenya), trong kỳ họp thứ 5 của Ủy ban liên Chính phủ theo Công ước năm 2003 của UNESCO, Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc đã chính thức được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Giá trị nổi bật toàn cầu của Hội Gióng thể hiện ở chỗ nó chính là một hoạt động văn hóa được bảo tồn, lưu truyền khá liên tục và toàn vẹn qua nhiều thế hệ. Lễ hội còn có vai trò liên kết cộng đồng và chứa đựng nhiều ý tưởng sáng tạo, thể hiện khát vọng đất nước được thái bình, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Về mặt mỹ thuật, Hội Gióng mang nhiều nét đẹp và giá trị của lễ hội như các đám rước, các hiệu cờ, hiệu trống, hiệu chiêng, diễn xướng dân gian, múa hát ải lao, múa hổ...

 

 

TÌM KIẾM
Điểm đến
Vùng
Tỉnh, thành phố
Loại hình
 
TRA CỨU LỄ HỘI
Ngày âm Tháng âm
 
ĐỔI LỊCH ÂM DƯƠNG
NGÀY THÁNG NĂM