Theo truyền thuyết xưa, Bãi Cháy chính là nơi đoàn thuyền lương của quân Nguyên Mông do Trương Văn Hổ cầm đầu vào xâm lược Việt Nam đã bị Trần Khánh Dư cùng quân dân nhà Trần thiêu cháy và bị dạt vào bờ. Do nhiều thuyền giặc bị cháy, gió Đông Bắc lại thổi tạt lửa vào bờ phía tây Cửa Lục làm cháy luôn khu rừng đang hanh khô. Khu rừng bị cháy đó thành Bãi Cháy ngày nay.
Một truyền thuyết dân gian lại cho rằng trước đây tầu thuyền thường neo đậu vào bãi biển phía tây Cửa Lục. Dưới đáy và bên sườn thuyền thường có con hà bám vào rất chắc có thể ăn hỏng thuyền vì thế dân chài phải lấy lá phi lao đốt xung quanh.
Từ bên phía Hòn Gai và các nơi khác nhìn vào đó luôn luôn thấy lửa cháy rực lên nên gọi nơi này là Bãi Cháy. Bãi Cháy quanh năm đón gió biển từ ngoài vịnh thổi vào. Đặc điểm địa hình là một dải đồi thấp chạy thoai thoải về phía biển, kéo dài hơn 2km ôm lấy hàng thông cổ thụ, nằm xen là những khách sạn, những biệt thự nhỏ kiến trúc riêng biệt.
Bên con đường trải nhựa là hàng cây xanh mát, những hàng quán nhỏ xinh ẩn mình dưới những tán phi lao. Tắm biển xong du khách có dịp thưởng thức các món đặc sản chế biến từ hải sản. Gió biển ở đây như bàn tay thần kỳ mơn man xua đi nỗi ưu tư, phiền muộn.