Ðối lập với nền nghệ thuật và kỹ thuật xây dựng tháp Chăm từ thế kỷ 17 trở về trước, từ thế kỷ 17 trở về những thế kỷ sau khi đất nước bị suy kiệt, nhân tài vật lực và kỹ thuật bị thất truyền mà việc thờ phụng tổ tiên và tôn giáo vẫn là nhu cầu thường trực nên người Chăm chuyển sang xây dựng dạng kiến trúc đền thờ như một ngôi chùa đương thời và sử dụng vật liệu gỗ, ngói, vôi như người Việt. Tiêu biểu cho dạng kiến trúc này là đền thờ vua Chăm Pôklông - Mơh Nai.
Ðền thờ gồm có 5 gian thờ xây dựng theo hình chữ T. Dãy nhà 3 gian dùng để thờ phụng: gian giữa thờ tượng vua Pôklông - Mơh Nai; gian bên phải thờ tượng bà thứ phi người Việt, công chúa con của một vị chúa Nguyễn, cùng một số tượng Kút con của bà; bên trái là gian thờ hoàng hậu Popia Sơm, vợ cả của vua, cùng một số tượng Kút chạm khắc đẹp là con của bà. Dãy nhà trước gồm 2 gian lớn để trống dùng làm nơi chờ đợi và thực hiện nghi lễ bên ngoài trước lúc vào đền thờ.
Tượng vua Pôklông - Mơh Nai được các nghệ nhân Chăm tạc bằng một khối đá xanh xám với nghệ thuật điêu khắc tinh tế. Pho tượng tả cảnh nhà vua đang ngự ở triều đình, đầu đội vương miện oai nghiêm. Ðây là một trong những pho tượng Chăm có kích thước lớn còn tồn tại nguyên vẹn đến ngày nay.
Hàng năm gia đình, dòng tộc hậu duệ nhà vua cùng đồng bào Chăm tổ chức nhiều nghi lễ tại đền thờ. Lớn nhất là dịp lễ hội Katê tổ chức vào tháng 7 Chăm lịch. Vào dịp lễ hội này tượng vua được đội vương miện thật bằng vàng, mặc áo đại lễ. Tượng hoàng hậu và thứ phi cũng được tắm rửa mặc áo, đội mũ.
Ðền thờ Vua Chăm Pôklông - Mơh Nai đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử - nghệ thuật cấp Quốc gia vào năm 1991.