Được thiết kế bởi kiến trúc sư Mohamet Amin, thánh đường Mubarak nhìn từ xa giống như các đền thờ cổ của Ba Tư, Ấn Độ với cổng chính hình vòng cung, uy nghi trước khoảng sân rộng. Trên nóc thánh đường có một tháp lớn hai tầng hình bầu dục, dưới chân tháp có hình trăng lưỡi liềm và ngôi sao, tượng trưng cho đạo Hồi. Bốn góc trên nóc thánh đường đều có bốn tháp nhỏ, giữa nóc có hai tháp bầu tròn nhô cao.
Từ cửa chính của thánh đường trở ra hai bên, mỗi bên có hai vòm hình vòng cung nhọn đầu, mỗi vòm cách nhau khoảng 2,4m. Bên hông thánh đường, phía tay trái và tay phải, mỗi bên cũng có sáu vòm hình vòng cung nhọn đầu.
Không gian bên ngoài thánh đường hết sức rộng lớn và thoáng mát. Bên trong thánh đường, do đặc điểm của đạo Hồi nên không có tượng thờ bất kỳ vị thần thánh nào, nhưng phải có hậu tẩm, là nơi chức sắc đứng hướng dẫn tín đồ làm lễ. Bốn bề của bức vách bên trong thánh đường được tô điểm bởi màu trắng và xanh, nền được lát gạch, trần nhà treo những chùm đèn điện sáng rực.
Hàng năm, thánh đường tổ chức 3 kỳ lễ lớn: lễ sinh nhật giáo chủ Muhammed ((người sáng lập đạo Hồi) vào ngày 12/3 Hồi lịch, lễ Roja (lễ hành hương đến thánh địa La Mecque) vào ngày 10/12 Hồi lịch, lễ Ramadan (tháng ăn chay) kéo dài từ ngày 1 đến 30/9 Hồi lịch. Trong những ngày lễ lớn này, người Chăm tề tựu về hành lễ tại thánh đường rất đông, tạo thành nét sinh hoạt văn hóa truyền thống hết sức độc đáo và thú vị của cộng đồng người Chăm ở đây.
Với những nét kiến trúc nghệ thuật độc đáo, mang đậm màu sắc tôn giáo của người Chăm và những lễ hội truyền thống mang tính đặc trưng của đạo Hồi mà thánh đường Mubarak đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là kiến trúc nghệ thuật vào ngày 5/12/1989.