Nhà Lớn do ông Trần, tên thật là Lê Văn Mưu, một tín đồ của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa (vốn phát xuất từ vùng Bảy Núi, An Giang) đến lập nghiệp và xây dựng vào đầu thế kỷ 20. Năm 1900, ông dẫn 20 đệ tử tìm đến đảo Long Sơn và định cư hẳn ở đây khai hoang và truyền đạo. Với bàn tay khối óc của mình cùng với sự giúp sức của những người đi theo ông, hòn đảo trở thành mảnh đất trù phú trồng được nhiều loại cây đặc sản. Tiếng lành đồn xa, dân nghèo tứ xứ về Long Sơn ngày một đông và trở thành đệ tử ông Trần.
Với diện tích khoảng 2ha, nhà Lớn là một quần thể kiến truc uy nghi gồm ba phần là khu đền thờ; một khu quần thể các di tích nhà Long Sơn hội, trường học, chợ, nhà mát, nhà bảo tồn, các dãy phố và lăng mộ của ông Trần.
Khu đền thờ quay mặt về hướng đông, toạ lạc trên diện tích gần 10.000m², gồm cổng Tam quan, vườn hoa Bát quái, nhà Thánh, lầu Trời, lầu Tiên, lầu Phật với hệ thống nhà gỗ hai tầng, tám mái thờ rất nhiều đối tượng của Đạo giáo, Nho giáo, ông Trần và những người trong gia tộc họ Lê.
Nơi đây còn lưu giữ nhiều bộ sưu tập cổ vật quý báu như: bộ bàn ghế bát tiên gồm 8 ghế và 1 bàn hình chữ nhật đã trên 200 năm tuổi, tương truyền là bộ bàn ghế của vua Thành Thái. Bên cạnh đó, còn có nhiều cổ vật trang trí nội thất thờ tự như bao lam, hoành phi, câu liễn sơn son thếp vàng... đặc biệt là bộ tủ thờ gồm 33 cái, được cẩn xà cừ, chạm khắc tinh xảo. Tất cả cổ vật nơi đây thể hiện khả năng nghệ thuật điêu khắc, trang trí của các nghệ nhân từ nhiều nơi trên đất nước.
Hàng năm, vào ngày vía ông Trần (20/2 âm lịch) và ngày Trùng cửu (9/9 âm lịch), nhà Lớn tổ chức lễ hội rất lớn, thu hút hàng chục ngàn người từ khắp đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông Nam Bộ về tham dự.
Năm 1991, quần thể kiến trúc nhà Lớn đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử quốc gia.