Vườn quốc gia Mũi Cà Mau được thành lập năm 2003 khi Khu bảo tồn thiên nhiên Đất Mũi được chuyển thành Vườn quốc gia trong hệ thống các khu rừng đặc dụng của Việt Nam. Đây chính là điểm cực Nam nơi có cột mốc cuối cùng của Việt Nam trên đất liền. Vườn quốc gia Mũi Cà Mau có tổng diện tích tự nhiên là 41.862 ha, trong đó diện tích phần trên đất liền là 15.262 ha, diện tích phần ven biển là 26.600 ha. Có một điều thú vị là hàng năm diện tích mặt đất của vườn quốc gia này luôn được mở rộng một cách tự nhiên, mỗi năm Mũi Cà Mau lại lấn ra biển hàng chục mét. Đây cũng là một nét hấp dẫn thu hút nhiều du khách đến với vùng đất này.
Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau có mục tiêu bảo tồn lâu dài mẫu chuẩn sinh thái có tầm quan trọng quốc gia, khu vực và thế giới; phục vụ các hoạt động tham quan, du lịch sinh thái và hợp tác quốc tế, xây dựng và thực nghiệm các mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên rừng ngập mặn, phát huy giá trị và chức năng kinh tế của hệ sinh thái đất ngập nước; bảo vệ đa dạng sinh học.
Đây là một vùng đất ngập mặn có hệ sinh thái rất đa dạng, với quần thể thực vật chiếm ưu thế là cây đước. Động vật có rất nhiều loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam và sách đỏ của Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Ngoài ra có nhiều loài chim di trú từ các nơi trên thế giới về đây, trong đó có nhiều loài thuộc loại quý hiếm như chim Sen, Chẳng bè.
Việc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau thuộc Khu dự trữ sinh quyển thế giới đã góp phần quan trọng vào việc bảo tồn tính đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng ngập nước, bảo tồn các giá trị nhân văn phục vụ mục tiêu phát triển bền vững cũng như tăng thêm sức hấp dẫn đối với du khách gần xa đến thăm quan.