Chùa Kim Sơn còn có tên là Am Vạn Linh, chùa Tàu Mã, chùa Kim Mã.
Vào Thời Lý, vùng Kim Mã là pháp trường, nơi này trở thành nghĩa địa, người trong thôn Kim Mã lập ra một am nhỏ để thờ cúng. Sau này thi hài các chiến sĩ tử trận Đống Đa (1789) trong trận đánh chống giặc Thanh được đưa vào tử tang tại nghĩa địa Kim Mã. Am được sửa lại và gọi là am Vạn Linh. Năm 1831 người làng Kim Mã sửa lại am, bên trong dựng tượng Phật, linh vị thờ Vạn Linh đặt ra hai bên, gọi là chùa Tàu Mã. Năm 1897 đổi tên là chùa Kim Sơn. Năm 1932 xây dựng lại chùa, dựng tòa tam bảo, đền thờ Mẫu và đàn Vạn Linh. Năm 1952 nghĩa địa Kim Mã chuyển lên nghĩa trang Yên Kỳ 1953 xây ngũ môn quan. Năm 1952 chùa Linh Sơn ở phố Nguyễn Trường Tộ bị bom Mĩ tàn phá, toàn bộ tượng Phật của chùa Linh Sơn được chuyển về chùa Kim Sơn và đặt trong gian thờ Vạn Linh của chùa Kim Sơn.
Kiến trúc chùa được xây dựng gồm: giải Ngũ Môn ở trước chùa 50m. Trong ngũ môn có treo 1 quả chuông đồng khá lớn và có đặt 1 pho tượng Phật. Qua ngũ môn là một khu vườn trong có bể non bộ, 2 ngọn tháp và nhiều cây cau. Tiếp đó là một sân gạch rồi đến chùa chính được bố cục ba phần tương đối độc lập. Chính giữa là toà Tam bảo thờ Phật, bên phải là Vạn Linh đàn, bên trái là đền thờ Mẫu. Toà Tam bảo được xây cao hẳn lên và thông sang Vạn Linh đàn và đền thờ Mẫu bằng 2 cửa ngách. Nóc đền thờ Mẫu và nóc Vạn Linh được đắp hình lưỡng long chầu nguyệt. Nóc tam bảo thì chính giữa đắp bảng ghi ba chữ Kim sơn tự, hai bên bảng là 2 con rồng. Phần bên ngoài có hương án trên đặt 3 ngai thờ Hùng Vương ở giữa, hai bên là hai bệ thờ mỗi bên có 3 tượng nữ thị vệ và binh khí như long đao, kiếm. Phía sau toà Tam bảo, Vạn Linh đàn và nhà Mẫu có nhà hậu để thờ các vị sư tổ trụ trì tại chùa Kim Sơn đã quá cố và cũng để cho sư ở. Cạnh nhà hậu là cổng hậu trông ra phố Kim Mã.
Hiện nay ở chùa Kim Mã có một pho tượng Phật bằng đồng, cao 76,8 cm nặng khoảng trên 30 kg. Tượng được thể hiện tư thế đứng thẳng với tay ấn “vô ủy” trên một bệ dạng hình hộp gần vuông đúc liền khối với tượng. Mặt trước chân bệ có khắc chìm một dòng chữ Lào.
Tượng có mái tóc xoắn ốc, đỉnh đầu gồ cao như búi tóc, khuôn mặt hình trái xoan, đôn hậu. Mắt dài, khép hờ, hơi xếch, cặp long mày thanh mảnh uốn cong xuống đuôi mắt. Sống mũi thẳng cao, cánh mũi nở miệng mỉnh cười, môi mỏng, tai to và dài. Tượng có dáng thon thả, lưng eo, vai rộng, ngực và mông nở. Hai chân đứng thẳng song song, bàn chân mập. Tượng mặc áo cà sa bó sát thân, làm lộ rõ những hình khối nở nang. Có một dải vải dài từ thân trước vắt qua vai sau. Một áo choàng dài phủ kín phía sau.
Cứ vào ngày 5 -1 âm lịch, ngày giỗ trận Đống Đa chùa lập đàn chay tưởng niệm các chiến sĩ đã hi sinh vì nước.
Chùa đã được xếp hạng di tích kiến trúc, nghệ thuật quốc gia 1-4-1985
Bài và ảnh Huy Hoàng