Lễ hội của 3 làng cổ đều thờ chung một thần Hoàng làng là Đức Huyền Thiên Hắc Đế. Ông có công phò trợ Lý Thánh Tông đánh giặc Chiêm Thành.
Theo Thần phả chép rằng: vào triều Vua Lý, tại bản Đại có một nhà hào phú; hai ông bà tu nhân tích đức, ăn ở hiền lành nhưng hiềm nỗi nhiều năm vẫn chưa có con, đến lúc tuổi xế chiều mới có được mụn con trai. Đứa bé khi sinh ra rất khỏe mạnh, lớn lên trí tuệ phi thường, ham tập luyện kiếm cung, nước da ngăm đen nên được đặt tên là Hắc Công. Ông hay lên núi Sư (tức núi Sưa ngày nay) chơi và luyện võ.
Khi quân Chiêm Thành đi đường thủy đánh chiếm nước ta, hai bên giao chiến nhiều trận không phân thắng bại. Hắc Công đã xin phép vua ra trận, ông đã dùng sức mạnh và trí tuệ của mình chỉ huy các chiến thuyền đánh tan quân giặc. Khi ông mất, để tưởng nhớ công lao, vua sắc phong là Huyền Thiên Hắc Đế Thượng Đẳng Phúc Thần và lấy ngày sinh của ông 19/1 làm ngày hội hàng năm.
Lễ hội được diễn ra vào sáng sớm với màn tế lễ của các cụ cao niên.
Trong bộ trang phục tế rất oai nghiêm, các cụ đứng trước sân đền tuyên biểu tấu với Thần về những việc dân làng đã làm được trong năm và xin thần phù hộ độ trì cho bình an, mưa thuận gió hòa để nhân dân hưởng an vui, và làm ăn phát đạt. Sau màn tế lễ là màn rước kiệu của cả ba làng. Các chàng trai cô gái trong trang phục cổ truyền thống người cầm cờ, cầm hoa, người múa diễu đoàn đi trước. Sau đó là kiệu được các chàng trai khỏe mạnh khiêng, tiếp đó là các cụ bô lão bước theo sau với nét mặt phấn khởi vui mừng như để báo công với Thần hoàng. Trong dịp lễ hội có nhiều trò chơi tiết, mục biểu diễn văn nghệ như hát chèo, đánh cờ người, đấu võ, chọi gà được nhân dân trong 3 làng cũng như các vùng hưởng ứng tham gia. Lễ hội là một trong những lễ hội tiêu biểu của 3 làng trại trong 13 trại cổ vẫn còn tồn tại và phát triển đến ngày nay.
Bài và ảnh Huy Hoàng