Đình Ứng Thiên là một ngôi đình cổ nằm ở phía tây nam trung tâm thành phố, bên bờ bắc dòng sông Tô Lịch. Đình được xây dựng trong khoảng năm 1069 – 1072 vào thời vua Lý Thánh Tông, thờ vị Nữ Thần đã có công giúp vua đánh thắng quân Chiêm là Hậu Thổ Phu Nhân. Đến thời vua Trần Anh Tông lại giúp vua giải hạn cho dân vàđược phong là Nguyên – Trung rồi Ứng Thiên Hóa Dục. Qua các triều Lê, Tây Sơn và Nguyễn đều có sắc phong là Thượng Đẳng Tối Linh Thần.
Trải qua gần một ngàn năm tồn tại, đình đã gắn bó mật thiết với đời sống văn hóa của người dân kinh thành Thăng Long xưa và thủ đô Hà Nội ngày nay. Để tưởng nhớ đến công lao vị Nữ Thần có công giúp nước, giúp dân, nhân dân vẫn giữ truyền thống tổ chức các ngày lễ tại đình Ứng Thiên.
Lễ hội hàng năm được diễn ra trong 3 ngày với sự tham gia của nhân dân trong phường và có mời rất nhiều các phường khác cùng tham gia.
Lịch lễ hội được diễn ra như sau:
Ngày 6/3:
Buổi sáng, tờ mờ sáng những người được chọn lựa đã làm lễ Mộc dục, bao sái tượng. Đúng 8h sáng chương trình tế lễ bắt đầu do các cụ ông có uy tín trong phường đảm nhiệm trong trang phục lễ hội truyền thống. Tiếp theo là các dòng họ trong phường, các đoàn đại biểu các nơi vào dâng hương lễ Đức Địa Mẫu. Sau đó là các đoàn dâng hương của phường Láng Hạ.
Từ chiều 6/3 và cả ngày 7/3 là màn dâng hương lễ Thánh do các cụ bà hành lễ của nhiều đoàn từ các nơi về dự lễ hội.
Ngày 8/2:
Buổi sáng, đoàn tế nam Láng Thượng vào làm lễ tế Thánh, sau đó các cụ ông trong đội tế lễ của đình vào làm lễ tạ Thánh.
Buổi chiều, lễ hội tiếp tục diễn ra với các tiết mục văn nghệ và vui chơi. Lễ giã hội được diễn ra vào lúc xế chiều.
Đan xen với ngày lễ Thánh của nhân dân trong vùng và khách thập phương là những tiết mục văn nghệ và trò chơi dân gian truyền thống như hát quan họ, diễn chèo, thi đấu cờ, chọi gà…
Bài và ảnh Huy Hoàng