Email | Hòm thư góp ý | Liên hệ | Sơ đồ web
 
Lễ hội làng Thọ Am

Thời gian: 07-09/02 âm lịch.

Địa điểm: Đình Thọ Am và miếu Thọ Am thuộc làng Thọ Am, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Đối tượng suy tôn: Tướng quân Đoàn Thượng, Quan nghè Nguyễn Phục.  

Đặc điểm: Rước nước, rước sắc,  rước kiệu, lễ tế, dâng hương, biểu diễn hát quan họ, chèo, hội vật, chọi gà, bắt vịt nước, thả chim bồ câu...

Làng Thọ Am thờ hai vị Thành Hoàng làng là Tướng quân Đoàn Thượng ở miếu Thọ Am và Quan nghè Nguyễn Phục ở đình Thọ Am. Đoàn Thượng là dũng tướng rất trung thành với Triều Lý. Khi Lý Chiêu Hoàng thoái vị, nhường ngôi cho Trần Cảnh (Trần Thái Tông), Đoàn Thượng không quy phục Triều Trần, chống lại việc sát hại con cháu Nhà Lý. Trần Thủ Độ thấy ông là bậc anh hùng liền sai người mang tiền bạc, chức tước tới để thu phục.

Ông không màng, quyết giữ đất Hồng Châu, xây thành đắp luỹ, thu mua lương thực phát cho người nghèo, nên được lòng dân chúng trong vùng. Số người đầu quân cho ông chống lại nhà Trần, mong muốn khôi phục Triều Lý ngày càng đông. Năm 1228, ông bị quân của Trần Thủ Độ đánh bại và hy sinh. Nhân dân tiếc thương lập miếu thờ ở Thọ Am để tưởng nhớ đến công lao của ông.

Nguyễn Phục là một vị quan Triều Lê, phụ trách về quân lương. Năm 1470, ông được Vua Lê Thánh Tông phong làm Đốc tướng chỉ huy vận tải quân lương trong trận đánh Chiêm Thành. Đoàn thuyền quân lương khi đến cửa Tùng bị gió bão, phải neo lại tránh bão để tránh tổn thất nên đến tiếp viện trễ mấy ngày. Chiếu theo quân lệnh, ông bị xử trảm tại bãi Nam  thuộc vùng vịnh Sơn Trà. Về sau, ông được minh oan và được Vua Lê Thánh Tông phong làm "Phúc thần", truyền sắc phong về một số làng xã để nhân dân hương khói phụng thờ.

Lễ hội làng Thọ Am được tổ chức trong 3 ngày từ mùng 07 đến 09 tháng Hai âm lịch hàng năm.

Ngày 07/02 

Buổi sáng, lễ rước nước về để làm lễ mộc dục và mở cửa đình được tổ chức. Buổi chiều, đội tế nam tiến hành tế Thánh.

Ngày 08/2 (chính hội)

7h sáng diễn ra lễ rước kiệu và sắc từ đình Thọ Am lên miếu Thọ Am. Đoàn rước bao gồm: đội múa rồng; đội đánh trống, đánh chiêng; đội cầm vũ khí: gươm hầu, bát bửu, chấp kích; 2 đội khiêng kiệu, bát cống, long đình; 2 đội nhạc lễ: bát âm, đồng văn (trống) và đội cấm vệ quân hầu Thánh. Khi kiệu được rước đến miếu Thọ Am, đội tế nam và đội tế nữ sẽ tiến hành lễ tế Thánh. Sau đó kiệu và long ngai hai vị Thánh lại được rước từ miếu Thọ Am về đình Thọ Am, nơi diễn ra lễ tế công đồng. Đến tối, đội nữ dâng hương trong đình.

Ngày 09/2

Lễ hội kết thúc với lễ rước long ngai Tướng quân Đoàn Thượng trở về miếu Thọ Am và đội nam làm lễ tế yên vị. Tiếp đó là lễ tế hạ hội và khao thỉnh dân làng cùng du khách thập phương về tham dự lễ hội.

Trong suốt 3 ngày lễ hội còn có các trò chơi và biểu diễn văn nghệ được tổ chức như: thi vật, thi chơi cờ người, chọi gà, hát quan họ, chèo...

TÌM KIẾM
Điểm đến
Vùng
Tỉnh, thành phố
Loại hình
 
TRA CỨU LỄ HỘI
Ngày âm Tháng âm
 
ĐỔI LỊCH ÂM DƯƠNG
NGÀY THÁNG NĂM