Tương truyền, nghề sơn ở Hạ Thái có từ thế kỷ 17 nhưng mới chỉ là sơn son thếp vàng để trang trí đồ thờ cúng. Đến đầu thập niên 30 của thế kỷ 20, những họa sỹ Việt Nam đầu tiên học trường Mỹ thuật Đông Dương đã tìm tòi, phát hiện thêm các vật liệu màu khác như vỏ trứng, ốc, cật, tre… và đặc biệt là đưa thêm kỹ thuật mài vào, tạo nên kỹ thuật sơn mài độc đáo. Thuật ngữ sơn mài và tranh sơn mài xuất hiện từ đó. Cũng trong giai đoạn này, cụ Đinh Văn Thành - giảng viên trường Mỹ thuật Đông Dương là người làng Hạ Thái đã đưa nghề sơn mài về truyền dạy cho người dân trong làng.
Khi mới ra đời, sơn mài chỉ có 3 mầu: sơn then (màu đen), sơn son (màu đỏ) và sơn cánh gián (màu vàng nâu). Nhờ quá trình tìm tòi sáng tạo, các nghệ nhân làng Hạ Thái đã phát hiện ra nhiều màu mới với nhiều sắc độ khác nhau, lộng lẫy mà đằm thắm, ẩn hiện lớp lớp tầng tầng, Mầu dưới nâng mầu trên, lại tiếp những lớp bột vàng, bột bạc được rắc phủ đậm, nhạt tạo nên những sắc mầu tươi tắn lạ thường.
Chất liệu chính của sơn mài Hạ Thái là gỗ, tre, nứa, song, mây, gần đây có thêm các chất liệu mới như composite, gốm sứ… càng tạo nên sự độc đáo cho sản phẩm. Để làm ra một sản phẩm sơn mài, các nghệ nhân phải thực hiện các công đoạn chính như: bó hom vóc, trang trí, mài và đánh bóng. Để bó hom vóc, các nghệ nhân dùng đất phù sa (hoặc bột đá) trộn với sơn ta giã nhuyễn cùng giấy bản rồi hom, chít các vết rạn nứt của sản phẩm. Mỗi lớp sơn lại lót một lớp giấy bả hoặc vải màn. Nếu là sản xuất tranh sơn dầu thì các nghệ nhân còn phải đục mộng mang cá để cài và gắn sơn cho các nẹp gỗ ngang ở sau tấm gỗ nhằm chống các vết rạn. Sau đó, để gỗ khô kiệt mới hom sơn kín cả mặt trước, mặt sau. Công đoạn này chủ yếu để bảo vệ sản phẩm không bị mối mọt, không thấm nước và không bị co lại do tác động của môi trường. Khi có được sản phẩm nói trên, các nghệ nhân tiến hành trang trí bằng cách gắn, dán các chất liệu tạo mầu như vỏ trứng, mảnh xà cừ, vàng, bạc…,sau đó phủ sơn rồi mài phẳng. Sơn mài có những điểm khác lạ như: muốn làm khô lớp sơn vừa vẽ, sản phẩm phải được ủ trong tủ kín gió và có độ ẩm cao, muốn nhìn thấy họa tiết trang trí phải mài mòn đi mới thấy. Công đoạn cuối cùng là đánh bóng vì sản phẩm sơn mài không được phép phủ dầu bóng. Sự thành công của một sản phẩm phụ thuộc rất lớn vào công đoạn này. Có một số thứ được dùng để mài và đánh bóng như: than củi xoan nghiền nhỏ, tóc rối, đá gan gà… Bên cạnh đó, để sản phẩm có được màu sắc tươi tắn, một công đoạn khác có tính quyết định là công đoạn pha sơn. Mỗi gia đình, mỗi cơ sở sản xuất có một bí quyết pha sơn riêng. Công đoạn này đòi hỏi người thợ sơn phải có kinh nghiệm từ khâu nấu sơn, cô sơn đặc cho đến khâu thử sơn chín. Hiện nay, làng nghề Hạ Thái đã áp dụng nhiều kỹ thuật hiện đại vào việc pha chế, thay đổi công đoạn phủ sơn, tạo cho sản phẩm có độ bóng, bền, đẹp. Mỗi sản phẩm sơn mài phải có từ 15 đến 16 lớp sơn, ít cũng là 10 lớp mới đảm bảo chất lượng.
Sản phẩm sơn mài Hạ Thái đã được trưng bày tại nhiều hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ trong và ngoài nước. Bên cạnh những sản phẩm sơn mài truyền thống như tranh sơn mài, hoành phi hay câu đối, các nghệ nhân Hạ Thái còn tạo ra nhiều sản phẩm hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước như: bát, đĩa, lọ hoa, khay, bàn ghế, giường tủ... Đặc biệt, gốm sơn mài Hạ Thái hiện đang là mặt hàng được ưa chuộng tại nhiều nước trên thế giới như: Anh, Pháp, Nga , Mỹ, Tây Ban Nha, Australia, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Hiện nay, xã Duyên Thái cũng đã quy hoạch và xây dựng các cụm, điểm công nghiệp ngay tại làng nghề Hạ Thái để các cơ sở tập trung sản xuất, phát huy hiệu quả. Đây cũng là một cách để thu hút khách nước ngoài, không chỉ là những người có quan hệ giao thương, buôn bán mà còn là những đoàn khách du lịch đến tham quan và tìm hiểu về một làng nghề thủ công truyền thống.