Nghề điêu khắc gỗ mỹ nghệ xuất hiện ở Thiết Úng đã từ lâu. Vào thời nhà Nguyễn, những nghệ nhân Thiết Úng được triệu vào cung để tham gia xây dựng cung điện, lăng tẩm và nhiều người trong số đó đã được triều đình ban sắc phong.
Các sản phẩm chạm khắc gỗ của làng nghề Thiết Úng rất phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã, bao gồm các đồ dùng gia đình, đồ văn phòng, đồ thủ công mỹ nghệ. Nét độc đáo của các sản phẩm này thể hiện ở chỗ, từ hình dáng cho đến các chi tiết minh họa đều toát lên sự đồng bộ, hài hoà, mềm mại và sinh động.
Để làm ra một sản phẩm chạm khắc gỗ, công đoạn đầu tiên là xử lý gỗ nguyên liệu. Trước tiên, người thợ phải chọn được loại gỗ đảm bảo độ bền, chắc, ít cong vênh, rạn nứt, thớ gỗ phải dẻo mịn. Sau khi được lựa chọn kỹ lưỡng và loại bỏ phần giác, gỗ sẽ được luộc trong nhiều ngày để đảm bảo không bị cong vênh do thời tiết. Công đoạn tiếp theo là pha gỗ để phân chia những cây gỗ lớn thành các thanh gỗ phù hợp với từng loại sản phẩm. Đây là công đoạn do các nghệ nhân giàu kinh nghiệm thực hiện bởi nếu pha gỗ không chuẩn thì sản phẩm sẽ có chỗ thừa, chỗ thiếu, ảnh hưởng đến chất lượng. Những thanh gỗ sau khi pha chế xong sẽ được người thợ đục, khảm để tạo ra những bức tượng hay các hoa văn, họa tiết trang trí nghệ thuật. Đối với những xúc gỗ có vân, người thợ còn phải khai thác tối đa những nét đẹp của đường vân đó để tạo nên những tác phẩm đẹp, có giá trị.
Mỗi gia đình ở Thiết Úng đều có những bí quyết và chuyên về mỗi dòng sản phẩm riêng. Có nhà chuyên làm tượng, nhà lại chỉ chuyên làm rồng phượng cho các đình, chùa… Các sản phẩm gỗ mỹ nghệ của làng nghề Thiết Úng không chỉ được ưa chuộng ở thị trường trong nước mà còn được xuất khẩu sang các quốc gia có thế mạnh về hàng thủ công mỹ nghệ như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đông Âu…
Đến Thiết Úng, du khách không chỉ có dịp tìm hiểu về nghề điêu khắc gỗ mỹ nghệ mà còn được thăm các di tích lịch sử văn hoá có tuổi đời hàng trăm năm như đình, chùa Thiết Úng; nhà thờ họ Đỗ; nhà thờ họ Đồng… Các di tích này đều mang đậm dấu ấn bàn tay tài hoa của những nghệ nhân Thiết Úng xưa, để rồi lớp con cháu sau này càng thêm trân trọng và tự hào về một làng nghề giàu truyền thống.