Email | Hòm thư góp ý | Liên hệ | Sơ đồ web
 
Đình Hậu Ái

Vị trí: Đình Hậu Ái, làng Hậu Ái, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội
Đặc điểm: Thờ Thành hoàng làng Đỗ Kính Tu, một công thần nhà Lý.

Đỗ Kính Tu sinh năm 1172 (Nhâm Thìn) trong một gia đình nho học tại Nhân Lý, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây (nay là làng Hậu Ái). Ông thông minh từ bé, năm 13 tuổi đã đỗ Tú tài kỳ thi Hương. Đến năm 18 tuổi, khi triều đình mở khoa thi võ, ông đỗ Phong Võ Chức và được vua cử đi dẹp giặc.

Năm 23 tuổi, ông đỗ đầu khoa thi Tam giáo và được vua phong chức Hàn Lâm Viện Đại Học Sĩ kiêm Võ sư. Sau đó, ông được phong nhiều chức như: Thái Úy, Thái Phó (Tể tướng), Đế Sư, Thái Bảo và được vua ban cho mang họ vua là Lý Kính Tu.

Làng Hậu Ái nằm trong vùng đất trũng nên cứ đến mùa mưa là cả cánh đồng làng chìm trong cảnh úng ngập. Dân làng muốn có con mương dẫn nước đổ ra sông Nhuệ nhưng không làm được vì phải đi qua nhiều làng. Đỗ Kính Tu có lòng nhân ái, thương dân nên đã đứng ra thương lượng với các địa phương và lấy hơn chục mẫu ruộng do vua ban để đền bù cho các chủ đất. Nhờ đó, con mương được hình thành, làng Hậu Ái không còn bị khổ vì nạn úng ngập nữa. Vì làm chức quan to nên ông bị bọn gian thần ghen ghét, lập mưu vu cáo ông cho đào mương để tập luyện binh lính làm phản. Triều đình nghị án, ban cho ông tự quyết án. Uất ức, Đỗ Kính Tu cưỡi ngựa cùng hai quan bộ hạ ra sông Hồng tự vẫn. Hôm đó là ngày 21 tháng 5 âm lịch năm 1216 (Bính Tý).

Khi ông mất, vua chợt tỉnh ngộ, liền cho rước ông về quê để mai táng, và lấy ngày 21 tháng 5 âm lịch hàng năm là ngày tế lễ tưởng niệm. Thương tiếc và tưởng nhớ đến công lao của ông, dân làng tôn ông làm Thành hoàng làng và dựng đền trên đất nhà ông để thờ tự. Đến năm 1914, làng tu sửa đền thành đình.

Đình Hậu Ái tọa lạc trên một khu đất cao, rộng, phía trước đình là hồ nước, xung quanh có nhiều cây cổ thụ. Kiến trúc đình kiểu chữ Đinh, gồm cổng đình, sân đình, tòa đại đình và hậu cung. Cổng đình có hai cột hoa biểu cao; đỉnh cột mang hình lồng đèn, được đắp nổi tứ linh, hổ phù; phía dưới chân cột là bốn con chim phượng hoàng chụm đuôi lại. Hai bên sân đình là hai dãy tả vu, hữu vu đều có sáu gian, tường hồi bít đốc, các vì kèo làm kiểu quá giang trên cột gạch. Phía cuối sân là tòa đại đình gồm năm gian, hai mái. Trên đỉnh mái đắp đôi rồng chầu mặt trời. Năm hàng cột đỡ mái hiên của toà đại đình được gắn với nhau theo kết cấu “thượng rường hạ kẻ”. Các kiến trúc trong tòa đại đình được chạm tứ linh (long, ly, quy, phượng), hổ phù, hoa lá theo phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Sau đại đình là tòa hậu cung với kết cấu theo kiểu “thượng rường hạ bẩy” và được chạm trổ rồng, mây, hoa lá như ở đại đình.

Hậu cung được ngăn làm đôi bởi hệ thống cửa bức bàn sơn son, vẽ hình rồng, phượng, rùa, lân. Nửa phía trong hậu cung có khám thờ Đỗ Kính Tu với tượng, long ngai, bài vị. Nửa phía ngoài bầy bộ kiệu giá ngự, các đồ tự khí như bát bửu, cờ năm màu…

Đình Hậu Ái đã được Bộ Văn Hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1989.

(Nguồn: TTTTDL, Bài và ảnh: Huy Hoàng)

TÌM KIẾM
Điểm đến
Vùng
Tỉnh, thành phố
Loại hình
 
TRA CỨU LỄ HỘI
Ngày âm Tháng âm
 
ĐỔI LỊCH ÂM DƯƠNG
NGÀY THÁNG NĂM