Ông tổ của nghề đúc đồng ở Bằng Châu là thiền sư Dương Không Lộ (1016 – 1094), tên thật là Dương Minh Nghiêm, quê ở làng Hải Thanh, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Thiền sư là người rất giỏi văn chương và y học. Thời đó, thái tử nhà Đường (Trung Quốc) bị bệnh nặng, không ai chữa khỏi nên vua Đường phải cho mời ông sang. Do chữa khỏi bệnh cho thái tử nên ông được vua Đường ban thưởng tùy ý nhưng chỉ nhận đồng đen mang về. Về nước, ông mở nghề đúc đồng rồi sau đó đi khắp nơi để truyền nghề, trong đó có làng Bằng Châu. Vì vậy, dân làng đã tôn ông làm tổ nghề.
Để chế tác ra một sản phẩm đồng hoàn chỉnh thì người thợ phải tiến hành các công đoạn như: làm khuôn, sơn khuôn, nấu đồng và đúc đồng. Để làm khuôn, người thợ đem đất sét, đất phù sa, trấu sống, bột than trấu, bột sạn chịu lửa, giấy dó… giã nhỏ, rây kỹ, sau đó đem ủ kín trong lu, vò hay thùng. Sau 1 ngày đêm, nguyên liệu được đem ra đánh tơi, kiểm tra lại độ mịn rồi dùng để đúc khuôn. Nguyên tắc đúc khuôn phải bảo đảm tính chính xác để khuôn có độ thông khí tốt, không bị lỏng, sai kích thước, rỗ hơi, rỗ khí. Khuôn đúc xong phải được sấy và phơi ngoài trời, sau đó đem nung để khuôn không bị vỡ khi rót đồng vào. Nung xong, người thợ dùng bột than hoặc bột chì rắc đều lên bề mặt khuôn thành nhiều lớp mỏng rồi miết để bột dính chặt vào thành khuôn. Công đoạn này gọi là sơn khuôn, có tác dụng chống cháy và chống dính cát vào sản phẩm trong khi đúc. Sau đó, người thợ tiến hành nấu đồng. Đồng nấu thường pha với kẽm để tạo cho sản phẩm có màu ánh xanh. Ngoài ra còn có thể pha đồng với chì hoặc thiếc. Hợp kim đồng với chì làm tăng trọng lượng và tạo độ bền cho sản phẩm. Hợp kim đồng với thiếc kéo dài tình trạng lỏng của đồng để đồng bám chặt vào mặt khuôn làm nổi rõ các chi tiết, đồng thời làm tăng độ cứng cho sản phẩm. Khi đúc, đồng phải được rót vào khuôn liên tục để sản phẩm đúc ra không có vết chắp nối.
Trước đây, sản phẩm của làng đúc đồng Bằng Châu chỉ bao gồm các loại đồ giaa dụng như: mâm, nồi, chảo,... Ngày nay, nhờ sự tìm tòi, sáng tạo, các nghệ nhân Bằng Châu đã tạo ra nhiều sản phẩm đa dạng, tinh xảo, mang tính mỹ thuật cao như: đèn thờ, đài thờ, cồng chiêng, hộp đựng trầu, khay và các vật dụng trang trí khác… Trong đó có một số công trình lớn hiện đang được lưu giữ tại tỉnh như: tượng Phật cao 2m, nặng 750kg (chùa Long Khánh); đại hồng chung cao 1,2m, rộng 0,8m và nặng hơn 200kg (chùa Long Hoa); tượng Bác Hồ cao 2m, nặng 750kg (Trung tâm Văn hóa, thông tin và thể thao huyện An Nhơn)…
Hiện nay, làng đúc đồng Bằng Châu vẫn lưu giữ được những nét tinh hoa, độc đáo của làng nghề truyền thống, thu hút ngày càng nhiều du khách đến tham quan, tìm hiểu.