Email | Hòm thư góp ý | Liên hệ | Sơ đồ web
 
Cung An Định
Vị trí: Số 97 đường Phan Đình Phùng, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Đặc điểm: Là một công trình thuộc quần thể di tích cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Cung An Định trước kia có tên là Phủ Phụng Hóa, được Vua Đồng Khánh (1886 – 1889) cho xây dựng vào đầu thế kỷ 20 bên bờ sông An Cựu để làm quà cho hoàng tử Nguyễn Phúc Bửu Đảo. Năm 1917, Hoàng tử Bửu Đảo sau khi lên ngôi vua lấy niên hiệu Khải Định (1916 – 1925) đã cho xây dựng lại phủ và đổi tên thành cung An Định. Năm 1922, theo ý nguyện của Vua Khải Định, cung An Định được ban cho Hoàng tử Vĩnh Thuỵ, sau này là Vua Bảo Đại (1926 – 1945). Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, gia đình cựu hoàng Bảo Đại đã từ Hoàng cung chuyển qua sống tại cung An Định. Năm 1955, Ngô Đình Diệm sau khi lên làm Tổng thống Việt Nam Cộng hòa đã tịch thu cung An Định và trưng dụng làm nơi ở cho một số gia đình công chức địa phương. Sau năm 1975, cung An Định đã được bàn giao lại cho chính quyền cách mạng.  

Cung An Định có diện tích gần 24.000m², được bao quanh bởi hệ thống tường thành xây bằng gạch kiên cố. Nhìn từ ngoài vào trong, cung An Định bao gồm các công trình: bến thuyền, cổng chính, đình Trung Lập, vườn hoa, lầu Khải Tường, nhà hát Cửu Tư Đài, chuồng nuôi thú, hai dãy nhà ngang, vườn cây cảnh và hồ nước, cuối cùng là cổng hậu. Trong đó, nổi bật nhất là cổng chính, đình Trung Lập và lầu Khải Tường.

Cổng chính của cung An Định được xây theo lối tam quan, gồm hai tầng. Đỉnh mái tầng trên gắn biểu tượng một viên trân châu lớn. Toàn bộ cổng được đắp nổi sành sứ, thuỷ tinh với các đề tài trang trí truyền thống của Việt Nam. Đặc biệt, dòng chữ Hán ghi tên cung và các câu đối ở cổng đều được ghép bằng các mảnh sứ màu rất độc đáo.

Qua cổng chính là đình Trung Lập với kết cấu hình bát giác, mái có 2 lớp theo dạng cổ lầu. Lớp mái dưới có 8 cạnh, lớp trên 4 cạnh. 12 bờ quyết của mái đắp nổi 12 con rồng, trên nóc chắp thiên hồ. Trước đây, trong đình có đặt bức tượng đồng Vua Khải Định đúc năm 1920. Nhưng đến năm 1960, bức tượng đã được chuyển vào lăng Khải Định. Ở các góc đình có đặt tượng bát tiên với tạo hình rất sinh động. 

Nằm phía sau đình Trung Lập và vườn hoa là lầu Khải Tường với lối kiến trúc mang đậm dấu ấn phương Tây, nằm trên diện tích gần 750m². Toàn bộ mặt trước của tòa nhà được trang trí công phu, tỉ mỉ các mô típ kiến trúc Roman cận đại (bắc đẩu bội tinh, thiên thần...) xen lẫn các đề tài trang trí phương Đông truyền thống (rồng, phượng, bát bửu, hoa văn cách điệu…). Lầu Khải Tường bao gồm 3 tầng: tầng 1 có 7 phòng, trong đó nổi bật nhất là phòng khách với bộ 6 bức tranh sơn dầu được vẽ trực tiếp lên tường mô tả các lăng Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh và Khải Định; tầng 2 có 8 phòng, là nơi sinh hoạt, nghỉ ngơi; tầng 3 có 3 phòng lớn và 4 phòng nhỏ được dùng làm nơi thờ tự.

Ngay sau lầu Khải Tường, du khách sẽ thấy nền móng của nhà hát Cửu Tư Đài. Đây là nơi diễn tuồng, cải lương phục vụ Hoàng gia dưới thời Vua Bảo Đại. Sau đợt khai quật khảo cổ năm 2003, diện mạo nhà hát đã được phác họa lại. Đó là tòa nhà có diện tích khoảng 1.500m² với sức chứa hơn 500 khán giả, gồm 2 tầng: tầng 1 là sân khấu và hệ thống khán đài vây quanh, tầng 2 là khán đài dành riêng cho nhà vua và thượng khách.

Cung An Định đánh dấu thời kỳ mỹ thuật Việt Nam bắt đầu chịu ảnh hưởng của phong cách phương Tây. Các công trình kiến trúc trong cung An Định đều mang phong cách kết hợp giữa đề tài trang trí truyền thống của Việt Nam với các đề tài trang trí của châu Âu, tạo nên bức tranh kiến trúc độc đáo.

Giữa năm 2008, điện Long An - nơi trưng bày hiện vật chính của Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, được đưa vào trùng tu, tôn tạo nên những hiện vật đã được chuyển đến trưng bày tại cung An Định cho đến nay. Nơi đây đã trở thành địa chỉ hấp dẫn cho những du khách muốn tìm hiểu di sản văn hóa dân tộc Việt  Nam thông qua các bộ sưu tập cổ vật độc đáo, ấn tượng.

TÌM KIẾM
Điểm đến
Vùng
Tỉnh, thành phố
Loại hình
 
TRA CỨU LỄ HỘI
Ngày âm Tháng âm
 
ĐỔI LỊCH ÂM DƯƠNG
NGÀY THÁNG NĂM