Theo cuốn ngọc phả do Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc thứ nhất (1572), Ngô Đức Dũng là người ở thôn Cát Đằng, đã từng được bổ nhiệm là quan Tri huyện huyện Từ Sơn, lộ Bắc Giang (nay là huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) vào năm 1390. Trong thời gian làm quan, ông học được nghề sơn mài và đã truyền dạy lại nghề cho người dân thôn Cát Đằng khi về quê hương sinh sống lúc tuổi già. Sau khi ông mất, người dân thôn Cát Đằng đã lập đình thờ tri ân công ơn của ông.
Đình Cát Đằng được khởi dựng vào khoảng thế kỷ thứ 15, tuy đã trải qua nhiều lần tu sửa nhưng vẫn giữ được phong cách kiến trúc cổ.
Đình tọa lạc trong khuôn viên có diện tích gần 4.000m2, mặt quay hướng đông nam. Kiến trúc đầu tiên trong khuôn viên đình là hệ thống nghi môn cột lớn và hai nhà bia được thiết kế theo kiểu chồng diêm hai tầng, mái giả ngói ống với các đầu đao uốn cong có trang trí tứ linh, tứ quý và nhiều họa tiết sinh động. Tiếp tục đi qua một khoảng sân rộng, du khách sẽ tới đình Cát Đằng với kiến trúc kiểu "tiền chữ nhất, hậu chữ đinh", gồm ba tòa Tiền đường, Trung đường và hậu cung.
Tiền đường có 5 gian, được thiết kế theo kiểu chồng diêm tám mái với các đao góc uốn cong. Nâng đỡ hệ thống mái là bốn hàng cột bằng gỗ lim được đặt trên các tảng đá thắt cổ bổng, trong đó cột cái có đường kính 30cm, cột quân có đường kính 20cm. Tại Tiền đường có hệ thống cửa bức bàn bằng gỗ lim khá chắc chắn.
Trung đường cũng gồm 5 gian, mái lợp ngói nam. Gian chính giữa treo bức cửa võng bằng gỗ sơn son thếp vàng chạm họa tiết tứ linh, tứ quý theo phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Các gian bên treo bức phù điêu bằng gỗ chạm cảnh long vân khánh hội mang phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê.
Hậu cung của đình được xây bằng gạch thất, mái lợp ngói nam, gồm 3 gian. Tại đây có đặt bàn thờ ông tổ nghề sơn mài Ngô Đức Dũng.
Cùng với kiến trúc bề thế, đình Cát Đằng còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ có giá trị như: 5 đạo sắc phong có niên đại từ thời Vua Lê Vĩnh Tộ (1619-1628) đến thời Vua Khải Định (1916-1925) cùng nhiều câu đối đại tự.
Đình Cát Đằng đã được công nhận là di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1992.
Thanh Hải