(TITC) - Tiền thân của bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TP Hồ Chí Minh là trụ sở làm việc của công ty vận tải Hoàng đế của Pháp (Messageries Impériales). Trụ sở được xây dựng trong 2 năm (1862-1863), mang lối kiến trúc phương Tây nhưng trên nóc nhà lại gắn đôi rồng kiểu "lưỡng long chầu nguyệt" theo phong cách phương Đông. Đây chính là lý do tòa nhà mang tên nhà Rồng. Bến cảng bên sông Sài Gòn – nơi tọa lạc của tòa nhà vì vậy cũng mang tên bến Nhà Rồng.
Năm 1870, công ty Messageries Impériales đã cho thay thế hình mặt nguyệt trên nóc nhà Rồng bằng biểu tượng của công ty, bao gồm phù hiệu hình đầu ngựa (tượng trưng cho phương tiện đường bộ bằng ngựa kéo hoạt động ở Pháp do công ty quản lý) và phù hiệu hình mỏ neo (tượng trưng cho tàu thuyền).
Tại bến Nhà Rồng, ngày 5/6/1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã xuống tàu "Ðô đốc Latouche Tréville" của Pháp xin làm phụ bếp để sang châu Âu tìm đường cứu nước.
Nǎm 1955, nhà Rồng được tu sửa lại mái và thay thế đôi rồng cũ bằng đôi rồng mới quay đầu ra ngoài. Năm 1979, TP. Hồ Chí Minh đã cho quy hoạch nhà Rồng thành bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TP Hồ Chí Minh. Sau 2 lần tu sửa vào các năm 1990 và 1995, bảo tàng hiện có 9 phòng trưng bày, trong đó có 6 phòng trưng bày những tư liệu, hiện vật, hình ảnh về tiểu sử, sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 3 phòng trưng bày chuyên đề thời sự, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tuyên truyền chính trị theo từng thời kỳ. Ngoài ra, bảo tàng còn có 2 phòng kho chứa tài liệu, hiện vật.
Năm 1998, nhân dịp kỷ niệm 300 năm thành lập Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh, UBND TP. Hồ Chí Minh đã đã chọn bảo tàng làm biểu tượng của thành phố và phối hợp với Hiệp hội Lyon (Pháp) đầu tư trang bị hệ thống chiếu sáng nghệ thuật cho bảo tàng.
Bảo tàng mở cửa từ thứ 3 đến Chủ nhật hàng tuần.
Buổi sáng: 7h30 - 11h30
Buổi chiều: 13h30 – 17h00
Giá vé:
Người lớn: 10.000đ/khách trong nước; 20.000đồng/khách nước ngoài.
Trẻ em dưới 14 tuổi: Miễn phí.
Thanh Hải