(TITC) - Từ thành phố Tuy Hòa, xuôi theo quốc lộ 1A về hướng bắc khoảng 30km, sau đó đến thị trấn Chí Thạnh (huyện Tuy An) rẽ phải về hướng đông khoảng 12km, du khách sẽ đến ghềnh Đá Đĩa (hay còn gọi là gành Đá Đĩa). Năm 2010, con đường vào ghềnh Đá Đĩa được trải nhựa hoàn toàn với những biển chỉ dẫn cụ thể, giúp du khách dễ dàng tìm đến danh thắng này.
Theo các nhà khoa học, đá ở ghềnh Đá Đĩa là loại đá bazan hình thành trong quá trình hoạt động của núi lửa ở vùng cao nguyên Vân Hòa (Phú Yên) cách đây gần 200 triệu năm và cách vị trí ghềnh Đá Đĩa ngày nay khoảng 30km theo đường chim bay. Nham thạch phun ra từ miệng núi lửa, gặp nước lạnh đông cứng lại, kết hợp với hiện tượng di ứng lực khiến các khối nham thạch bị đông cứng rạn nứt đa chiều một cách tự nhiên. Phần lớn đá nứt theo mạch dọc, tạo thành những cột thẳng đứng hoặc xiên, cũng có những đường xiết ngang cắt cột đá thành những hình dạng khác nhau. Trên thế giới, ngoài Phú Yên chỉ có một vài nơi khác có hiện tượng này như là các ghềnh đá Giant''s Causeway (Ireland), Los Órganos (Tây Ban Nha), Fingal (Scotland)...
Với chiều rộng hơn 50m và dài khoảng 200m, nhìn từ xa, ghềnh Đá Đĩa như một tổ ong khổng lồ, ánh lên màu đen huyền bí nổi bật giữa một vùng trời biển trong xanh. Càng tiến lại gần, du khách sẽ càng ngỡ ngàng khi trước mắt hiện ra hàng chục nghìn cột đá có tiết diện hình lục giác, hình vuông hoặc hình tròn, lớp nọ xếp nối lên lớp kia, liền khít nhau như có sự sắp đặt của bàn tay con người. Có những chỗ đá xếp cao và thẳng, có chỗ lại xếp trải dài hoặc nghiêng, trông như chồng bát đĩa. Theo dòng chảy thời gian cùng những đợt sóng dồn từ biển, các cột đá ở đây không hề tách rời hay đứt gãy mà cứ bám vào nhau, lớp nọ nối tiếp lớp kia vươn mình ra biển lớn.
Không chỉ cuốn hút ngay ánh nhìn đầu tiên bởi những mỏm đá hình thù độc đáo, ghềnh Đá Đĩa còn khiến du khách ấn tượng bởi những gam màu thay đổi liên tục trong ngày theo ánh sáng mặt trời. Khi bình minh lên, những khối đá đĩa đen tuyền được phủ ánh vàng rực rỡ của tia nắng đầu ngày. Còn khi hoàng hôn buông xuống, ráng đỏ của ánh chiều lại nhuộm hồng các khối đá. Bởi thế, mỗi khoảnh khắc ở ghềnh Đá Đĩa sẽ mang lại cho du khách những cảm nhận khác nhau. Và sẽ thật tuyệt nếu du khách được đặt chân lên từng phiến đá và trải nghiệm cảm giác mát lạnh khi từng làn sóng biển xô vào mỏm đá, tung bọt trắng xóa vỗ về lên bàn chân.
Đi dọc theo ghềnh đá, du khách sẽ thấy một vũng nước trũng do lâu ngày nước mưa và nước biển đọng lại, lõm xuống mà tạo nên. Nơi đây như một thế giới thu nhỏ với những loài, tôm, cua, cá nhỏ sinh sống, thậm chí có cả những chú sứa, sao biển cũng theo thủy triều đi lên.
Năm 1998, ghềnh Đá Đĩa đã được Nhà nước cấp chứng nhận danh thắng cấp quốc gia và được tỉnh Phú Yên đưa vào khai thác du lịch. Với vẻ đẹp hoang sơ và tạo hình ấn tượng, ghềnh Đá Đĩa ngày càng được nhiều du khách biết đến, trở thành điểm tham quan không thể bỏ qua của du khách khi đến với mảnh đất Phú Yên.
Phạm Phương